Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phòng, chống dịch Covid-19
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Y tế Bắc Giang sẵn sàng ứng phó với dịch ở cấp độ mới

Cập nhật: 19:04 ngày 07/04/2020
(BGĐT) - Mấy ngày qua, nước ta liên tục phát hiện thêm nhiều ca lây nhiễm mới từ cộng đồng, gây khó khăn cho công tác giám sát, ngăn chặn dịch lây lan. Ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, những ngày này, các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng đón bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Bệnh viện chủ lực “trực chiến”

Dịp này, lượng người ra vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh giảm nhưng hằng ngày vẫn có từ 2,5-3 nghìn người có mặt tại đây. Để kiểm soát người ra vào, Bệnh viện chỉ mở cổng số 1 phục vụ bệnh nhân vào theo hướng đi một chiều và ra tại cổng số 2 phía đường Lê Lợi. Trước khi vào khám, người dân phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo nhiệt độ. Nhân viên y tế phân loại bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ cho sang bộ phận khám sàng lọc riêng để phòng, tránh lây nhiễm chéo. Mỗi ca bệnh chỉ được một người chăm nuôi và phải khai báo y tế, ghi lại thông tin liên lạc; tạm dừng việc vào thăm bệnh nhân.

{keywords}

Sàng lọc bệnh nhân trước khi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Khoa Khám bệnh bố trí lấy số qua điện thoại, hẹn giờ đến khám, mở rộng khu vực chờ khám, bố trí ghế ngồi giãn cách, gọi khám từng bệnh nhân. Số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính khám định kỳ theo tháng được chuyển sang Khoa khám bệnh theo yêu cầu. Bệnh nhân có chỉ số ổn định sẽ tạm giãn thời gian lấy thuốc từ 1 tháng/lần sang 2 tháng/ lần.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, thời điểm này hạn chế người vào điều trị nội trú phù hợp với diễn tiến của bệnh, tăng hiệu quả điều trị để rút ngắn thời gian lưu viện. Các khoa phòng bố trí kê giường bệnh cách  nhau 2m, yêu cầu nhân viên vệ sinh liên tục lau chùi buồng bệnh, khử khuẩn tay nắm cửa, cầu thang, toilet.

Sáng 7/4, Khoa Truyền nhiễm đang điều trị cách ly cho 3 bệnh nhân nghi ngờ đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng vẫn tiếp tục theo dõi chưa loại trừ.

Gần đây, Bệnh viện tiếp nhận 23 bệnh nhân chuyển về từ Bệnh viện Bạch Mai. Xác định đây không chỉ là bệnh nhân nặng mà còn có thể là nguồn nguy cơ cao lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ ổ dịch lớn nhất cả nước vào Bắc Giang, Bệnh viện đã cho từng người nằm điều trị cách ly ở buồng bệnh riêng. Các ca bệnh đều được lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán Covid-19. Hiện có 1 ca được chỉ định phẫu thuật, đơn vị phải thực hiện tại phòng mổ cách ly. Đối với những ca nặng, các bác sĩ liên hệ hội chẩn trực tuyến liên viện với các bệnh viện đầu ngành. Đơn vị dự kiến hỗ trợ tiếp nhận một bệnh nhân thận nhân tạo đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai về lọc máu chu kỳ.

Thời điểm này, Bệnh viện đã bố trí khu điều trị cách ly 30 giường cho người nghi nhiễm và 50 giường riêng biệt cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Khoa Vi sinh đã đủ năng lực xét nghiệm sàng lọc phát hiện bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 phục vụ hiệu quả cho việc phân loại, điều trị cách ly tại bệnh viện. Hơn nữa, khi nhân viên y tế có triệu chứng nghi nhiễm được xét nghiệm kịp thời để khoanh vùng, xử lý, hạn chế lây lan. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có 1 phòng mổ cách ly và 1 phòng đẻ cách ly dã chiến, hiện đang xây dựng 2 phòng áp lực âm; tiếp tục mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc phục vụ công tác dự phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Cùng với việc yêu cầu cán bộ, nhân viên y tế sẵn sàng “trực chiến”, đội ngũ nhân viên tập trung cao hướng dẫn phác đồ mới nhất của Bộ Y tế trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm, bảo đảm an toàn khi tiếp nhận bệnh nhân.

{keywords}

Thực hành diễn tập lấy mẫu bệnh phẩm tại Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn.

Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên ở bộ phận sàng lọc cấp cứu vẫn đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch do bệnh nhân đến cấp cứu thường trong tình trạng nặng, bác sĩ khó khai thác lịch sử dịch tễ.

Chuẩn bị mọi điều kiện

Cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Sở Y tế chỉ đạo trung tâm y tế ở các huyện thực hiện thu dung, tiếp nhận, điều trị cách ly bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm. Các đơn vị đều chủ động phân luồng sàng lọc bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn, bố trí khu vực điều trị biệt lập giữa bệnh nhân nghi ngờ và bệnh nhân mắc Covid-19 đáp ứng 260 giường bệnh. Trong đó chú trọng đến biện pháp phòng hộ cho cán bộ, nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, hạn chế mức thấp nhất tình trạng lây nhiễm. 

{keywords}

Kiểm tra thân nhiệt cho người vào khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hà Nôi - Bắc Giang.

Tại Trung tâm Y tế huyện Tân Yên, để ngăn chặn dịch xâm nhập cơ sở y tế, các khoa, phòng tăng cường thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn trong thực hành chuyên môn. Đặc biệt khi hấp sấy đồ vải, dọn dẹp chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly được thu gom riêng xử lý theo quy trình. 

Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn đã bố trí 50 giường ở khu nhà cuối cùng nằm biệt lập với các khoa phòng, có lối đi riêng dành cho bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ và bệnh nhân nhiễm nCoV. Khoa Truyền nhiễm và Khoa Liên chuyên khoa đã phối hợp cử 4 kíp trực gồm 12 bác sĩ, 15 điều dưỡng túc trực 24/24 giờ để kịp thời khám sàng lọc, thu dung bệnh nhân. Trung tâm thiết lập đường dây nóng (0967.291.919) giải đáp những thắc mắc, yêu cầu hỗ trợ y tế của người dân về dịch Covid-19. 

Các cơ sở y tế không có nhiệm vụ thu dung, điều trị dịch Covid-19 nhưng để phòng ngừa lây nhiễm chéo đều phải khám sàng lọc, kiểm soát triệt để người đến khám, chữa bệnh, phân loại, cách ly. 

Tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang, mỗi ngày Khoa Khám bệnh đón tiếp 500-600 lượt người. Trước nguy cơ dịch xâm nhập mà đối tượng khám tại đây chủ yếu là phụ nữ mang thai, trẻ em, Bệnh viện đã bố trí 2 khu vực khám bệnh biệt lập để phục vụ ca bệnh thông thường và người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở. Trong đó sắp xếp khu vực riêng có đầy đủ hệ thống siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, bàn đẻ, phòng mổ để điều trị cách ly cho sản phụ có triệu chứng viêm đường hô hấp.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh đã thành lập Bệnh viện Dã chiến số 1 tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh đáp ứng quy mô 200 giường bệnh. Trong tình huống dịch lây lan trên diện rộng sẽ đưa thêm Bệnh viện Dã chiến số 2 vào hoạt động tại Nhà thi đấu tỉnh. Hiện nay, Sở Y tế đã rà soát, bố trí tăng cường nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc cho các bệnh viện dã chiến để chủ động ứng phó khi có đông người mắc.

Theo thông tin từ BCĐ cấp tỉnh, đến nay, Bắc Giang đã bố trí gần 198,5 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch. Dịp này, các bệnh viện, trung tâm y tế chủ động mua sắm hóa chất, vật tư dự phòng ở cấp độ cao hơn. 

Được biết, trong tuần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh mua thêm 5 máy thở cho khu cách ly. Trung tâm Y tế huyện Sơn Động mua một xe cứu thương phục vụ công tác vận chuyển người bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lắp đặt thêm hệ thống tách chiết mẫu phục vụ xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 để nâng công suất gấp 4 lần hiện nay (hiện là 200 mẫu/ ngày) phục vụ công tác sàng lọc, phát hiện nhanh người nhiễm.

{keywords}

Trung tâm Y tế huyện Tân Yên bố trí khu vực khám sàng lọc bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời điểm này, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với tình huống ở mức cao nhất. Đối với những trường hợp liên quan đến viêm đường hô hấp phải điều trị cách ly, lấy mẫu xét nghiệm loại trừ. Khoa Kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm Y tế các huyện, TP phối hợp với trạm y tế và các thôn, bản, tổ dân phố rà soát, giám sát kỹ tại cộng đồng dân cư, phát hiện kịp thời ca bệnh, khoanh vùng ổ dịch, không để lây lan.

Hà Nội chuẩn bị cho kịch bản ứng phó với cấp độ 4 của dịch
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, Hà Nội đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó với cấp độ 4 của dịch Covid-19, theo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm nhân lực tham gia điều trị được tập huấn phác đồ điều trị, chuyên môn, kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn với mục tiêu cứu chữa khỏi cho người bệnh và giảm tối đa tỷ lệ bệnh nhân tử vong. Đặc biệt là phòng chống lây nhiễm trong khối bệnh viện, các cán bộ y tế, giữa các nhân viên phục vụ và người bệnh.
Dịch Covid-19 trên toàn thế giới: Trên 1,3 triệu người nhiễm bệnh
Tính đến 9 giờ 15 phút ngày 7/4 (giờ Việt Nam), dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, với trên 1,3 triệu người nhiễm bệnh, trong đó có 74.697 ca tử vong.
Dự kiến 20 triệu người được tham gia gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng
Chính phủ ngày 6/4 đã xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đối tượng, nguồn vốn của gói 62.000 tỷ đồng để sớm ban hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...