Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phòng, chống dịch Covid-19
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện nghề của những "chiến sĩ áo trắng"

Cập nhật: 11:31 ngày 22/02/2020
(BGĐT)- Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa phát hiện trường hợp bị mắc dịch Covid-19 song với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vì sức khỏe cộng đồng, những “chiến sĩ áo trắng” vẫn ngày đêm gồng mình phòng, chống dịch.

Gác việc riêng, lo việc chung

Qua giới thiệu của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Việt Yên, tôi có dịp trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Thị Hà (SN 1969), Trạm trưởng Trạm y tế xã Hoàng Ninh- người đã 28 năm gắn bó với nghề. Cách đây một năm, do bị thoái hóa xương, chị Hà phải phẫu thuật 5 đốt sống cổ, nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức. Do di chứng để lại, tay phải bị co quắp không thể tự điều khiển xe máy, chị Hà phải nhờ chồng đưa đón đi làm ròng rã hơn một năm. “Gần đây, tôi đã tự đi xe song trên cổ vẫn còn 2 chiếc nẹp sắt, hằng tháng vẫn phải đến bệnh viện tuyến T.Ư kiểm tra sức khỏe”, chị Hà nói.

{keywords}

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Việt Yên chuẩn bị thuốc và dụng cụ y tế phục vụ các trường hợp cách ly.

Địa bàn xã Hoàng Ninh rộng, có hơn 11 nghìn nhân khẩu của xã và gần 15 nghìn người từ nơi khác đến lao động, sinh sống. Từ đầu tháng Hai đến nay, số người Trung Quốc trong diện giám sát, theo dõi sức khỏe tại các khu lưu trú trên địa bàn xã dao động từ 300-500 người. Do bận việc, chị phải gửi cô con gái nhỏ ra Hà Nội nhờ người thân trông nom. Mọi việc cơm nước, nội trợ, chăm sóc mẹ chồng 103 tuổi do chồng chị đảm trách.

Trạm y tế xã Hoàng Ninh có 6 nhân viên trong khi khối lượng công việc lớn. Hằng ngày, nhân viên Trạm y tế xã phối hợp với lực lượng công an tỏa đi các thôn cập nhật danh sách số người Trung Quốc đến, đi, thời gian nhập cảnh, lưu trú, đo thân nhiệt, nắm bắt tình hình sức khỏe để thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; tổ chức phát tờ rơi, khẩu trang y tế, phun thuốc khử trùng... Nhiều đêm mưa rét, mọi người vừa bước chân về nhà, cơm chưa kịp ăn nhưng nhận được điện thoại yêu cầu giải quyết công việc, lại tức tốc ra khỏi nhà. “Cái khó nhất trong theo dõi, quản lý các đối tượng thuộc diện giám sát sức khoẻ là họ thường xuyên di chuyển, sống chung với người thân (vợ, con), tiếp xúc với người dân ở các khu nhà trọ, chỉ cần bỏ lọt trường hợp nào có triệu chứng của dịch bệnh sẽ rất nguy hiểm”- Chị Hà nói.

Huyện Việt Yên được coi là địa bàn trọng điểm của tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19 bởi có nhiều khu, cụm công nghiệp với hơn 2 nghìn chuyên gia, công nhân, lao động Trung Quốc sinh sống, làm việc nên việc quản lý, theo dõi, giám sát tại cơ sở rất khó khăn. Tính đến ngày 17-2, toàn huyện có hơn 300 người Trung Quốc (không tính các khu công nghiệp trên địa bàn huyện) trong diện theo dõi sức khỏe đang lưu trú ở các khách sạn, nhà dân và 91 người Việt Nam từ Trung Quốc trở về trong diện giám sát. Cũng vì thế trách nhiệm đặt lên những người công tác trong ngành y tế hết sức nặng nề.

Tại Trung tâm Y tế huyện Việt Yên, thời điểm chúng tôi đến làm việc, gần 12 giờ trưa song các khoa, phòng vẫn nhộn nhịp cán bộ, nhân viên qua lại. Bác sĩ Đinh Văn Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm đưa chúng tôi đến Khoa Truyền nhiễm gặp điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thu Hường để hiểu rõ hơn về công việc thầm lặng của chị. Mỗi khi có trường hợp nghi mắc dịch Covid- 19 được đưa vào khu cách ly, chị và đồng nghiệp lại thay nhau trực 24/24 giờ để theo dõi; thường xuyên kiểm tra thân nhiệt; phục vụ ăn uống và giúp đỡ khi họ cần. Cách đây vài tuần, khi theo dõi, chăm sóc một gia đình người Trung Quốc gần nửa tháng, mỗi khi hết ca trực về nhà, chị đều ăn cơm và ngủ một mình trong căn nhà trống trải. Chị kể: “Chồng tôi vẫn chuẩn bị bữa ăn tươm tất song anh ấy lo ngại tôi tiếp xúc với nhiều người, dễ mang mầm bệnh nên cùng con sang nhà mẹ đẻ tôi gần đó ở tạm”.

{keywords}

Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) kiểm tra sức khỏe bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.

Cũng vì nhiệm vụ phòng, chống dịch nên thời điểm này các y, bác sĩ phải gác lại việc riêng để gánh vác việc chung. Chị Vũ Quỳnh Trang (SN 1991), Khoa Kiểm soát dịch bệnh có con đầu 5 tuổi, con thứ hai 7 tháng tuổi, chồng làm trong ngành công an thường xuyên xa nhà. Dù đã viết đơn xin nghỉ phép dài ngày để giải quyết việc riêng và được cơ quan đồng ý nhưng trước tính chất nguy cấp của dịch bệnh, chị đã xin hủy đơn. Chị cho hay, 22 giờ đêm hôm trước, chị phải nhờ mẹ đẻ tìm người giúp việc để sớm hôm sau kịp cùng đồng nghiệp đi các xã giám sát dịch bệnh.

Huyện Lục Ngạn có gần 5 nghìn lao động ở Trung Quốc trở về quê ăn Tết. Theo bác sĩ Hán Thị Thoa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Lập, dịp cao điểm có tới 300 người Việt Nam và hơn 30 người Trung Quốc về thăm thân chưa qua thời gian cách ly 14 ngày. Cả trạm y tế có 8 người thì cả 8 đều tham gia phòng, chống dịch, đồng thời vẫn đảm đương công việc thường ngày. Nhiều thôn cách trung tâm xã 8-10 cây số, phải qua nhiều đèo, suối song cán bộ y tế vẫn đến từng hộ, kiểm từng người để theo dõi cách ly, kiểm tra thân nhiệt, mỗi ngày 2 lượt. Những hôm phải đi thôn, xóm xa, mọi người mang theo mì tôm, lúc thì vài củ khoai lang hoặc trứng luộc sẵn để lót dạ.

Đâu cũng là chiến sĩ

Ở Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, những ngày này các khoa chuyên môn cũng đang gồng mình với công việc. Trung tâm thành lập hai đội phòng, chống dịch cơ động, trực 24/24 giờ. Chị Đoàn Thị Thanh Nhàn, thạc sĩ vi sinh - Khoa Xét nghiệm chia sẻ, khi có chỉ định lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc, nhân viên lại tức tốc đến các cơ sở y tế - nơi có người cách ly để lấy máu, dịch họng, dịch tụy gửi đi xét nghiệm. Nếu như ai đó không may mắc, chỉ cần cái hắt hơi hoặc khạc nhổ có thể sẽ mang virus tới người đối diện nếu trang phục y tế không bảo đảm an toàn.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa kết thúc đồng nghĩa với đội ngũ y, bác sĩ vẫn đang ngày đêm trên tuyến đầu của mặt trận không tiếng súng này. Họ sẵn sàng chấp nhận vất vả, đối mặt với "kẻ thù" nguy hiểm là dịch bệnh; sẵn sàng đánh đổi sự an toàn của bản thân vì sức khỏe nhân dân.

Tại tầng 3 và 4 trụ sở Sở Y tế trên đường Hùng Vương (TP Bắc Giang) gần một tháng nay luôn sáng ánh đèn. Đây là “trung tâm đầu não” của ngành y tế trong việc tham mưu, ban hành, xử lý các văn bản. Mỗi ngày, bộ phận trực tiếp nhận, xử lý khoảng 50 báo cáo của các sở, ngành, địa phương và đơn vị trực thuộc gửi về. Nội dung thông tin được tổng hợp gửi ngay về Bộ Y tế, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh để nắm bắt, chỉ đạo. Cường độ làm việc của cán bộ, nhân viên từ 15-17 tiếng/ngày.

Trong căn phòng làm việc nhỏ, thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Sinh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh chia sẻ, chỉ còn hơn một tháng nữa ông sẽ nghỉ hưu, 39 năm trong nghề, từng chống chọi với bao mùa dịch song chưa bao giờ ông cảm thấy cuộc chiến với dịch Covid-19 cam go như lúc này. Nhìn đôi mắt trũng sâu, thâm quầng, tôi cảm nhận ông đã thức khuya nhiều. Ông cho hay mình sút 3 cân kể từ khi cùng cả hệ thống chính trị chung tay phòng, chống dịch. Ông cũng không thể nhớ đã tiếp nhận bao nhiêu cuộc gọi, tin nhắn; xử lý bao nhiêu văn bản đến, đi; kiểm tra, giám sát bao nhiêu cuộc ở cơ sở. “Thời gian này, chúng tôi ăn, ở, làm việc tại cơ quan là chính song điều đó chưa thấm gì so với những người đang ngày đêm trực tiếp đương đầu với dịch bệnh. Điều chúng tôi mừng, cảm thấy hạnh phúc nhất đó là đến thời điểm này, tỉnh Bắc Giang chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh. Những lúc khó khăn, vất vả mọi người càng phải đoàn kết, nỗ lực và yêu thương nhau nhiều hơn, cùng chung tay đầy lùi dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng”, ông Sinh nói.

Cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 chưa kết thúc đồng nghĩa đội ngũ y, bác sĩ vẫn đang ngày đêm trên tuyến đầu của mặt trận không tiếng súng này. Họ sẵn sàng chấp nhận vất vả, đối mặt với "kẻ thù" nguy hiểm là dịch bệnh; sẵn sàng đánh đổi sự an toàn của bản thân vì sức khỏe nhân dân. Với trách nhiệm công dân, mỗi chúng ta cảm thông, cùng san sẻ gánh nặng với các y, bác sĩ thông qua những hành động, việc làm cụ thể, thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành y tế, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Đó cũng là sự tri ân thiết thực nhất, hiệu quả nhất đối với những "chiến sĩ áo trắng", góp phần cùng cả hệ thống chính trị chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Hà Nội thêm 3 ca nghi nhiễm Covid -19
Sở Y tế Hà Nội chiều 20-2 ghi nhận thêm 3 ca nghi nhiễm Covid- 19, là những người từ Trung Quốc về và có biểu hiện bệnh đường hô hấp.
Việt Nam là 1 trong 4 nước phân lập thành công virus corona chủng mới
Chiều ngày 12-2, Bộ Y tế đã trao bằng khen của Bộ Y tế cho một tập thể và sáu cá nhân của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vì đã có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới của virus corona.
249 người tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm virus Corona được theo dõi
Hiện, Vĩnh Phúc đang theo dõi 249 người có liên quan tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính nCoV.
Lục Nam: Tích cực phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut corona gây ra
(BGĐT)-Chiều 3-2, UBND huyện Lục Nam (Bắc Giang) tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống  dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut corona gây ra. Đồng chí Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. 
Yên Dũng: Chủ động các phương án phòng, chống dịch do virus corona gây ra
(BGĐT)-Chiều 3-2, UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (gọi tắt là nCoV) gây ra.

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...