Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 26 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế / Dành cho nhà đầu tư
Kinh tế / Dành cho nhà đầu tư
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Nhiều dự án chậm tiến độ, lãng phí quỹ đất

Cập nhật: 19:59 ngày 27/06/2018
(BGĐT) - Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều doanh nghiệp (DN) sau khi được giao, cho thuê đất đã chậm đưa vào sử dụng. Tình trạng này gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư. 

{keywords}

Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Thương mại quốc tế Kiến Hợp FDE còn khoảng 5 nghìn m2 đất chậm đưa vào sử dụng.

Dự án triển khai trên giấy

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Yên có 7 dự án lớn chậm sử dụng đất với diện tích hàng chục nghìn m2. Trong đó, có dự án nằm ở vị trí đất “vàng” của địa phương. Minh chứng là dự án sản xuất gạch không nung công nghệ sạch bảo vệ môi trường tại thôn Việt Hùng, xã Việt Ngọc của Công ty TNHH một thành viên Mai Luận. 

Ông Phạm Thế Dị, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết, từ khi được UBND tỉnh cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2013, đến nay đã gần 5 năm nhưng DN này vẫn chưa thực hiện bất cứ thủ tục gì liên quan đến dự án. Ngoài căn nhà cấp 4 rộng chừng 150 m2, trên diện tích hơn 29 nghìn m2 được tỉnh cho Công ty thuê thực hiện dự án hiện vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.

Tình trạng trên còn xảy ra đối với Công ty TNHH KEVINLONG, phố Ngô Xá, thị trấn Cao Thượng. Tháng 6-2011, tỉnh cho đơn vị này thuê gần 2 nghìn m2 đất xây dựng Nhà máy sản xuất hàng may mặc. Thế nhưng đến nay, đất dự án vẫn bỏ trống, chưa có bất cứ công trình nào được xây dựng. Tương tự, Công ty cổ phần Xây dựng Lam Sơn được thuê gần 8 nghìn m2 đất ở thị trấn Cao Thượng thực hiện dự án khu thể thao, vui chơi đã gần chục năm nay nhưng chủ đầu tư chỉ xây một sân tennis rộng 600 m2 và trồng một số cây xanh. Nhiều năm nay, dự án vẫn “đắp chiếu”.

Không chỉ ở Tân Yên, hiện nay, tại KCN Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu; KCN Song Khê-Nội Hoàng có 16 DN chậm đưa đất vào sử dụng. Ví dụ Công ty TNHH L&C Tech Việt Nam, KCN Quang Châu thuê đất làm xưởng sản xuất điện khí, thiết bị tủ điện cao, trung áp cách đây khoảng 6 năm với diện tích 15 nghìn m2 nhưng nay còn khoảng 10 nghìn m2 chưa xây dựng. Hay như Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Thương mại quốc tế Kiến Hợp FDE cũng còn khoảng 5 nghìn m2 chậm đưa vào sử dụng. Tình trạng trên còn xảy ra tại các huyện: Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hòa… Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, toàn tỉnh có hơn 50 dự án chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích hàng trăm nghìn m2.

Xử lý dự án chậm triển khai

Theo giải thích của nhiều chủ đầu tư, các dự án không triển khai hoặc chậm tiến độ là do thời gian qua kinh tế khủng hoảng, kinh doanh không có lãi. Ông Nguyễn Minh Luận, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Luận (Tân Yên) cho biết, thị trường đầu ra của sản phẩm gạch không nung công nghệ sạch những năm gần đây gặp nhiều khó khăn nên Công ty chưa xây dựng nhà máy. Còn theo đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên chủ yếu là do thiếu năng lực tài chính, cá biệt có trường hợp lập dự án để giữ đất.

Đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh cho biết, các dự án chậm tiến độ làm lãng phí đất đai, ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư chung của tỉnh. Đó là chưa kể có một số nhà đầu tư không chấp hành nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất chậm sử dụng, gây thất thoát ngân sách.

Cùng với những nguyên nhân trên còn do các huyện, TP, Sở TN&MT, Sở KH&ĐT chưa làm hết trách nhiệm trong phối hợp đôn đốc, kiểm tra tình trạng sử dụng đất, triển khai kế hoạch đầu tư của tổ chức, cá nhân sau khi thuê đất. Vì vậy chưa tham mưu kịp thời với UBND tỉnh xử lý, thu hồi đất đối với các dự án quá hạn.

Chủ trương của tỉnh là tạo điều kiện cho nhà đầu tư, cùng chia sẻ khó khăn với DN trong quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác giao cho Sở TN&MT, Sở KH&ĐT rà soát các dự án vi phạm trong toàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh có giải pháp xử lý.

Ông Lưu Xuân Vượng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, tới đây, Sở xem xét xử phạt nghiêm đối với các nhà đầu tư chậm sử dụng đất, đầu tư sai mục đích. Những trường hợp không còn đủ năng lực tài chính, Sở đề nghị tỉnh thu hồi đất, tránh lãng phí tài nguyên.

Đi liền với giải pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng, Sở KH&ĐT cần thẩm tra kỹ năng lực của chủ đầu tư, kiểm soát tốt việc cấp phép dự án ngay từ đầu. Đây là điều kiện quan trọng để xem xét, đánh giá dự án triển khai có khả thi hay không. Có như vậy, môi trường đầu tư của tỉnh mới được cải thiện, phát huy hiệu quả tài nguyên đất.

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...