Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Xây dựng Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghị quyết về giải phóng mặt bằng đi vào cuộc sống - Bài 2: Gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ

Cập nhật: 18:21 ngày 19/10/2021
(BGĐT) - Nhờ tích cực triển khai, thực hiện các nghị quyết của cấp ủy về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã góp phần gỡ nút thắt về mặt bằng sạch, từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều công trình, dự án trọng điểm ở mỗi địa phương, thúc đẩy KT-XH của tỉnh Bắc Giang phát triển. Qua đây cũng đúc rút nhiều kinh nghiệm quý trong công tác GPMB.

Có mặt bằng sạch, tạo sức hút nhà đầu tư

Thực tế cho thấy, nhờ ban hành kịp thời các nghị quyết chuyên đề liên quan đến công tác GPMB của cấp ủy cấp huyện và cơ sở nên công tác GPMB ở nhiều địa phương đã có sự chuyển biến rõ rệt. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện Lạng Giang đã thực hiện GPMB 152 công trình, dự án, với hơn 800 ha đất, liên quan đến trên 6.550 hộ dân có đất bị thu hồi. Riêng 8 tháng năm nay, toàn huyện thực hiện GPMB 30 công trình, dự án, với trên 65 ha đất, liên quan đến 974 hộ dân. Trong đó, có dự án Khu đô thị mới phía Tây thị trấn Vôi, quy mô gần 80 ha; dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Hưng, tổng diện tích GPMB 51,9 ha... đều được GPMB nhanh chóng, đúng kế hoạch.

{keywords}

Thi công đường BT Chằm, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam). Ảnh: THÀNH NAM

Điều này đã giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm có mặt bằng sạch để huy động nhân lực, máy móc tiến hành thi công xây dựng. Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần LIDENCO1 cho biết: Dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Hưng do Công ty làm chủ đầu tư sớm được triển khai là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, thôn. Chỉ trong vòng 3 tháng, Công ty đã được giao đất để đầu tư phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp. Hiện nay, khối lượng xây dựng đạt gần 100%, phấn đấu sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 10 này, sớm hơn kế hoạch 2 tháng.

Sau 4 năm từ khi ban hành Nghị quyết số 149 - NQ/HU của Huyện ủy Lục Nam về lãnh đạo công tác GPMB trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 - 2020, tính đến nay toàn huyện đã thực hiện được khoảng 96 dự án, thu hồi khoảng 490,11 ha đất, liên quan tới 5.250 hộ gia đình, cá nhân với tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ là 1.373,31 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã GPMB được 160 ha, bàn giao cho nhà thầu thi công xây dựng, trong đó có Dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang 120 ha.

Theo lãnh đạo huyện Yên Dũng, năm 2020, 2021, huyện triển khai khoảng 70 dự án đầu tư xây dựng, trong đó có nhiều dự án trọng điểm. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng do công tác GPMB đã được các cấp ủy đảng quan tâm thông qua những nghị quyết chuyên đề nên đến nay đã chỉ đạo cơ bản xong công tác GPMB một số dự án lớn, trọng điểm như: Cụm công nghiệp Nham Sơn - Yên Lư; đường nối quốc lộ 17- quốc lộ 37; nâng cấp, mở rộng đường gom bên phải tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn từ cầu vượt quốc lộ 17, tỉnh Bắc Giang.

Công tác GPMB của huyện Việt Yên cũng đạt nhiều kết quả. Trong 5 năm qua, trên địa bàn thị trấn Bích Động bao gồm cả xã Bích Sơn đã được sáp nhập, có hơn 86 ha đất được thu hồi phục vụ các dự án, liên quan đến 4,8 nghìn hộ dân. Một trong những dự án có tiến độ thi công nhanh là công trình xây dựng đường Ngô Văn Cảnh nối từ tổ dân phố Dục Quang đến đường tránh quốc lộ 37 dài 1,25 km. Khoảng 4 ha đất nông nghiệp của 717 hộ gia đình tại tổ dân phố Dục Quang phải thu hồi để phục vụ công trình. Được sự đồng thuận cao của người dân, tuyến đường đã hoàn thành, đưa vào sử dụng sớm 1 năm so với kế hoạch.

{keywords}

Hạ tầng Khu đô thị mới thị trấn Bích Động vừa hoàn thiện. Ảnh: Thành Nam

Tương tự, dự án khu dân cư Dộc Đề ở tổ dân phố Tự, thị trấn Bích Động cũng vượt tiến độ nhờ làm tốt công tác GPMB. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Bích Động cho biết: “Thực hiện nghị quyết chuyên đề về công tác GPMB của Huyện ủy, Đảng ủy thị trấn cũng đã kịp thời ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác này. Nhờ đó đã huy động sự vào cuộc của đội ngũ lãnh đạo tổ dân phố, các ban, ngành, đoàn thể tham gia tuyên truyền, vận động người dân”.

Được biết, giai đoạn 2015-2020, huyện Việt Yên đã tổ chức thu hồi, chuyển đổi mục đích 654,3 ha đất để thực hiện 536 dự án. Nhờ làm tốt công tác GPMB, trong 5 năm qua chỉ phải cưỡng chế, bảo vệ thi công 18 dự án.

Thông tin từ cơ quan chức năng, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh GPMB gần 3,8 nghìn ha để thực hiện gần 2,1 nghìn dự án, công trình. Ông Đào Duy Trọng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Ở những địa phương khi cấp ủy có sự chủ động tham gia công tác GPMB, nhất là việc tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận thì nơi đó tiến độ GPMB được đẩy nhanh, bảo đảm bàn giao “mặt bằng sạch” cho nhà đầu tư thi công xây dựng”.

Mấy năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân trên địa bàn đạt khoảng 14%/năm, Bắc Giang được đánh giá nằm trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước. Nhờ tạo ra được nhiều quỹ đất sạch nên đã góp phần quan trọng vào kết quả thu hút đầu tư của tỉnh trong 5 năm qua cao nhất từ trước đến nay, với tổng số dự án thu hút đầu tư còn hiệu lực tăng 1.756 dự án, gấp 2,1 lần so với năm 2015.

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định nhiệm vụ chủ yếu là phát triển nhanh công nghiệp- xây dựng với tốc độ cao, lấy công nghiệp làm trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác. Điều này rất cần có sự chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện về đất đai, mặt bằng với hạ tầng đồng bộ để thu hút các dự án đầu tư lớn.

Qua việc ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết của cấp ủy về công tác GPMB trong những năm gần đây, kinh nghiệm cho thấy, trước hết, chú trọng tuyên truyền, giúp người dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời những chủ trương, chính sách của Nhà nước và địa phương liên quan đến đền bù GPMB. Mọi thông tin của dự án cũng như phương án đền bù GPMB phải được công khai, minh bạch, người dân dễ tiếp cận, tránh tình trạng để người dân hiểu không đầy đủ dẫn đến bị kích động, thắc mắc, khiếu kiện. Muốn vậy, công tác quản lý đất đai ở mỗi địa phương phải được làm chặt chẽ, quy chủ rõ ràng; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tổ chức cưỡng chế những đối tượng cố ý chây ì, đòi hỏi vô lý khi đền bù GPMB.

Coi trọng và phát huy hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” trong GPMB theo đúng phương châm “Khéo trong vận động, linh hoạt trong cách làm”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của đoàn thể nhân dân, cán bộ chủ chốt cơ sở. Đồng chí Đinh Đức Cảnh, Bí thư Huyện ủy Tân Yên cho rằng: “Việc tuyên truyền ở đây không chỉ tập trung vào các chế độ, chính sách liên quan đến đền bù GPMB mà còn giúp người dân nhận thức rõ ý nghĩa của mỗi công trình, dự án trong việc thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển, từ đó đồng thuận hưởng ứng tham gia”. Được biết, từ đầu năm đến nay, toàn huyện Tân Yên đã tiến hành thu hồi gần 80 ha đất để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, huyện, nhưng chỉ phải cưỡng chế 2 trường hợp.

{keywords}

Bí thư Chi bộ tổ dân phố Mai Sẫu, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) Lương Xuân Biền (bên phải) cùng cán bộ địa chính xây dựng phường trao đổi về diện tích cần GPMB. Ảnh: PV

Đặc biệt, cần chú trọng tính nêu gương của cán bộ, đảng viên trong gia đình thuộc diện phải GPMB, nhằm tạo niềm tin cho quần chúng noi theo. Điều này đã được thể hiện rất rõ qua phong trào hiến đất để cứng hóa đường giao thông nông thôn và đường nội đồng trong thời gian qua, với hàng trăm hộ dân tự nguyện tham gia hiến đất.

Theo Bí thư Chi bộ Lương Xuân Biền, Trưởng Ban công tác mặt trận tổ dân phố Mai Sẫu, phường Đa Mai (TP Bắc Giang), tháng 11/2020, khi TP Bắc Giang triển khai dự án xây dựng tuyến đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Võ Nguyên Giáp, đã phải GPMB khoảng 1 ha đất canh tác của hơn 40 hộ dân trong tổ. Do biết cách chia nhóm đối tượng vận động, như: Nhóm có gia đình người thân là đảng viên; nhóm gia đình có hội viên phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên..., để có hình thức vận động phù hợp. Vì thế, chỉ thời gian ngắn, 100% hộ dân đã đồng thuận nhận tiền đền bù GPMB.

Một số nhà chuyên môn cũng cho rằng, với đặc điểm đất đai bị thu hồi ở những khu vực đô thị có giá giao dịch thị trường cao so với khung giá đất thì việc vận dụng tối đa chính sách để bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân bị thu hồi đất là rất quan trọng. Đồng thời trong tổ chức thực hiện quy hoạch cần bảo đảm tái định cư đi trước một bước, bố trí quỹ đất tái định cư tại chỗ ở những nơi có điều kiện, việc tái định cư phải bảo đảm điều kiện sống và sinh kế bằng và tốt hơn. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm hài hòa lợi ích của 3 bên “Nhà nước, nhà đầu tư và người dân”, trong đó quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân phải được ưu tiên hàng đầu.

Nhóm PV XDĐ-NC
Nghị quyết về giải phóng mặt bằng đi vào cuộc sống - Bài 1: Chủ động vào cuộc, đồng thuận trong dân
(BGĐT) - Trong xu thế phát triển chung, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông và các khu, cụm công nghiệp ngày càng lớn. Điều này đòi hỏi cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để phục vụ cho các dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm mục tiêu, tiến độ đề ra. Chính vì thế, nhiều nghị quyết chuyên đề của cấp ủy ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được ban hành, tạo sức mạnh tổng hợp GPMB.
Bắc Giang: Đề xuất một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
(BGĐT)-Công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) được xem là một trong những khâu quan trọng quyết định tiến độ thi công các công trình dự án. Báo Bắc Giang ghi lại một số ý kiến đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ GPMB tại hội nghị trực tuyến của UBND tỉnh với các huyện, TP về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB thực hiện các dự án đầu tư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh diễn ra vào ngày 19/10.
Linh hoạt, gỡ vướng giải phóng mặt bằng từng dự án
(BGĐT)-Ngày 19/10, các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đồng chủ trì hội nghị trực tuyến với các huyện, TP về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án đầu tư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh sở, ngành của tỉnh.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...