Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Xây dựng Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa

Cập nhật: 07:00 ngày 19/08/2017
(BGĐT) - Nhiều thập niên đã qua, Thủ đô gió ngàn năm xưa vẫn còn đây những dấu tích, hiện vật lịch sử để con cháu bây giờ và mai sau thấm được những bài học yêu nước khi hành hương về Nguồn. Đấy là Nguồn Cách mạng, nơi bắt đầu những hoạch định lớn lao để giải phóng dân tộc thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, để có một mùa Thu bừng sáng bằng cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám của những người dân đói nghèo, lam lũ do Đảng ta lãnh đạo.
{keywords}

Cây đa Tân Trào.

Dân tộc ta sẽ lưu giữ lâu bền những ký ức thiêng liêng của các chặng đường lịch sử chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập tự do cho đất nước. Những ký ức ấy đôi khi đã được nhân dân huyền thoại hóa trong những câu chuyện kể mãi không cạn hay những khúc ru dưới bóng tre làng. Ký ức thấp thoáng trong thơ ca cùng với tâm hồn Việt chân mộc mà sâu lắng, đằm thắm mà trăn trở. Không rậm rạp lời, có lúc chỉ là những chấm phá tối giản mà vẫn gợi mở mênh mang về những năm tháng không quên. Thơ Tố Hữu không ít lần làm được điều đó mà đây là một dẫn dụ: Mình đi, mình có nhớ mình/ Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?

Mình… nhớ mình là nhớ những ngày Việt Bắc Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù, là nhớ chiến khu Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai…Thủ đô gió ngàn năm xưa ấy vẫn còn đây những dấu tích, những hiện vật lịch sử để con cháu bây giờ và mai sau thấm được những bài học yêu nước khi hành hương về Nguồn. Đấy là Nguồn Cách mạng, nơi bắt đầu những hoạch định lớn lao để giải phóng dân tộc thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, để có một mùa thu bừng sáng bằng cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám của những người dân đói nghèo, lam lũ do Đảng ta lãnh đạo.

Mái đình Hồng Thái. Cây đa Tân Trào. Đã gắn với một dấu mốc lịch sử trọng đại: Dân tộc Việt Nam bước ra khỏi đêm dài nô lệ tăm tối của giặc ngoại xâm phương Tây, những người đói khổ rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Trước đó, gần một thế kỷ, hàng chục phong trào, cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp đã nổ ra nhưng thất bại. Bắt đầu từ phong trào Cần Vương gắn với tên tuổi vua Hàm Nghi đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy kéo dài ba mươi năm đều không thành công. Dân tộc chỉ giành được độc lập tự do khi lịch sử lựa chọn Đảng cộng sản Việt Nam làm người lãnh đạo trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Đó là một sự thật lịch sử hùng hồn khó có thể chối cãi, bác bỏ được. 

Mái đình Hồng Thái. Cây đa Tân Trào. Ai đã nghe và ai đã đến đều cảm nhận được những giá trị quá khứ thiêng liêng ẩn chứa trong dáng vẻ bình thường của nó. Những hồi quang của dĩ vãng vẫn tỏa ra từ từng chi tiết của ngôi đình, từ mỗi cành nhánh gốc rễ của cây đa. Thấp thoáng bóng cổ nhân với những thầm thì trầm ấm làm cho ta tin hơn vào con đường đang bước. Quá khứ truyền vào ta năng lượng sạch, không phải bằng diễn thuyết dông dài, ồn ào mà bằng những điều giản dị, đơn sơ như cây đa, bến nước, sân đình.

Đình Hồng Thái ở thôn Cả, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Xem các tài liệu thì đình Hồng Thái được dựng lên vào năm Khải Định thứ tư (1919) bằng gỗ, theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống gồm ba gian, hai chái, mái lợp lá cọ. Đình thờ Thành Hoàng làng, các vị thần sông, thần núi và Ngọc Dung Công chúa, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ở đây.  

Từ Thủ đô gió ngàn năm ấy, dân tộc ta đã vượt qua tất cả, vượt lên đạn bom, vượt lên thương đau, vượt lên cả những khát khao đời thường để chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù lớn mạnh. Có rất nhiều cái để minh chứng cho điều này, trong đó không thể không nói đến mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào…

Từ Pắc Bó (Cao Bằng) nơi có Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê Nin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà, Hồ Chí Minh đã về Tân Trào và dừng chân ở đình Hồng Thái vào ngày 21-5-1945. Sự chuyển dịch của Lãnh tụ báo hiệu bước chuyển mình vĩ đại của lịch sử dân tộc mà chỉ sau đó ba tháng đã trở thành hiện thực. Đình Hồng Thái là nơi đón tiếp các đại biểu ở ba miền Bắc - Trung - Nam về dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng từ ngày 13 đến 15-8-1945. Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhấn mạnh tình thế cấp bách phải nắm đúng thời cơ, phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương… Quốc dân đại hội mang tầm vóc như một Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai được tổ chức vào ngày 17-8-1945; bàn luận và quyết định thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa, Mười chính sách của Việt Minh, Quốc kỳ, Quốc ca… Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời) được bầu ra do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Thời khắc trọng đại của lịch sử Dân tộc đã được điểm từ đây, khi Hồ Chí Minh đọc Lời Tuyên thệ trước đồng bào: Chúng tôi, là những người được Quốc dân đại hội bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc để lãnh đạo cuộc Cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng cũng không lùi bước…

{keywords}

Khách thăm đình Hồng Thái.

Ngôi đình Hồng Thái sau hai mươi sáu năm dựng lên trở thành “đại bản doanh” Cách mạng; từ đây Lệnh Tổng khởi nghĩa được tỏa đi trong cả nước, để rồi sau đó bốn ngày Bắc Trung Nam khắp ba miền /Đứng lên khởi nghĩa chính quyền về tay (Thơ Tố Hữu). Ngôi đình Hồng Thái là một dấu chấm hồng trong Mùa Thu Cách mạng năm Ất Dậu 1945. Sau nạn đói khủng khiếp cướp đi sinh mệnh của hai triệu người Việt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đứng lên thiết lập chế độ mới, chính quyền mới. 

Cây đa Tân Trào vạm vỡ với những lớp thời gian in đậm trên thân có một ngày được chứng kiến sự kiện lịch sử. Tôi hình dung ngày ấy, ngày 16-8-1945, dưới bầu trời xanh ngăn ngắt, gió thu từ những ngọn núi cao đổ xuống rào rào trong tán lá, có một đội quân chân đất áo nâu mang tên Quân giải phóng nghiêm trang nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc trước sự chứng kiến của các đại biểu dự Quốc dân đại hội và nhân dân Tân Trào. Lòng lạc quan và niềm tin chiến thắng tràn ngập không gian Tân Trào. Từ giây phút ấy, khi Quân giải phóng hăm hở cất bước lên đường qua Thái Nguyên và tiến về đồng bằng tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Cách mạng tháng Tám thành công nhưng cuộc trường chinh giải phóng đất nước vẫn phải kéo dài đằng đẵng suốt ba mươi năm nữa, từ ngày 19-12-1946 đến ngày 30-4- 1975. Những chiến thắng vĩ đại được ghi vào trang sử Việt Nam như Điện Biên Phủ năm 1954, Mùa Xuân đại thắng năm 1975. Bao nhiêu máu, mồ hôi, nước mắt của dân tộc đã thấm đẫm xuống con đường đánh giặc. Bao nhiêu đợi chờ chia ly đầy thổn thức lo toan. Đất nước ba mươi năm kháng chiến chưa có đêm nào tròn giấc ngủ. Vời vợi yêu thương, dằng dặc đợi chờ. 

Một đời người mà chiến chinh nhiều quá 

Em níu giường níu chiếu đợi anh 

(Thơ Hữu Thỉnh)

Tình cảnh như thế không phải một mà là số đông, là cái phổ biến trong những năm chiến tranh tàn khốc. Thế mà, dân tộc ta đã vượt qua tất cả, vượt lên đạn bom, vượt lên thương đau, vượt lên cả những khát khao đời thường để chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù lớn mạnh. Có rất nhiều cái để minh chứng cho điều này, trong đó không thể không nói đến mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào…

Tùy bút của Nguyễn Hữu Quý

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...