Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 về công tác cán bộ: Để người dân thực hiện tốt việc giám sát cán bộ, đảng viên

Một trong những nội dung quan trọng, đáng chú ý được cán bộ đảng viên, người dân quan tâm trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đó là phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.
{keywords}

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau).

Người dân không chỉ giám sát trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ mà còn là lực lượng phản ánh, kiến nghị tố cáo những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực, tự chuyển hóa, tự diễn biến.

Làm gì để người dân mạnh dạn tố cáo tham nhũng

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu (ĐB) đều thống nhất quan điểm bảo vệ người tố cáo là việc làm rất khó. Tuy nhiên, việc cần thiết hay không một cơ quan bảo vệ họ và bảo vệ như thế nào lại phải tính toán rất kỹ.

Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu, bảo vệ người tố cáo là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của họ vì trên thực tế các hành vi xâm phạm chủ yếu tác động vào các yếu tố này. Muốn bảo vệ được người tố cáo, một trong những yêu cầu quan trọng là phải bảo mật được thông tin. Thế nhưng, bảo mật cũng là việc không đơn giản. “Trên thực tế, hành lang pháp lý theo dự thảo Luật Tố cáo cũng khá hoàn thiện. Vấn đề này hết sức nhạy cảm, nhiều khía cạnh người ta trả thù người tố cáo rất tinh vi. Quá trình thực thi pháp luật, các cơ quan khi tiếp cận giải quyết tố cáo phải sớm phát hiện các vấn đề, đánh giá nguy cơ có thể bị trả thù, có thể bị trù dập để có giải pháp sớm, theo dõi, hướng dẫn chính người tố cáo để họ chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho mình. Cần thiết có thể tiếp cận đối tượng bị tố cáo để có tác động về tư tưởng, trách nhiệm pháp lý cho họ” - ông Hiểu nói.

ĐB Ngọ Duy Hiểu cho biết, nên giao nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo cho cơ quan Công an là hợp lý vì họ có lực lượng, phương tiện bảo vệ. Góc độ khác, khi nói đến Công an, bản thân các đối tượng có thể có hành vi trù dập, phá hoại, trả thù người tố cáo có thể phải e ngại. Ngoài Công an là nòng cốt, sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành.

Còn ĐB Lưu Bình Nhưỡng lại hết sức cân nhắc việc chọn cơ quan bảo vệ người tố cáo. Ông Nhưỡng khuyến cáo nên dựa vào việc tố cáo để xem đối tượng bị tố cáo là ai: Nếu là đối tượng trong vụ việc rất phức tạp, liên quan đến tập đoàn tội phạm phía sau, có yếu tố xã hội đen,… lại khác; còn việc tố cáo ông chủ tịch xã thì bình thường hơn.

Phải theo dõi lâu dài và phải có sự giám sát thường xuyên

Cùng với việc để người dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên thì việc chọn nhân tài cũng là điều rất quan trọng. Về vấn đề này ĐB Lê Thanh Vân nhận định: “Muốn chọn được người tài trước tiên phải nhận diện được nhân tài để trọng dụng họ cho đúng sở trường của họ. Ở đây có vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu mà là nhân tài chắc chắn biết dùng nhân tài. Nghị quyết T.Ư 7 về công tác cán bộ nêu rõ: Phát hiện, lựa chọn từ nguồn quy hoạch những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo chức danh, nhất là những người đã được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có “sản phẩm” cụ thể, có triển vọng phát triển. Về vấn đề này, ông Vân nhấn mạnh: Nghị quyết T.Ư 7 có tính đột phá trong công tác cán bộ, chẳng hạn như thay thế ngay những người không đủ tiêu chuẩn về tài năng đức độ mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ.

“Tôi đã nói rất nhiều vấn đề này rồi - đó là gỗ lim thì phải làm cột cái, gỗ lim trong bộ máy là những người có tầm nhìn, có tư duy vượt trội, có khả năng kiến tạo chính sách nhưng lại để cho anh ta làm công tác phục vụ, điếu đóm…không khác gì đem gỗ lim đi làm phên giậu, đem tre nứa đi làm trụ cột. Thì đấy chính là môi trường không trọng dụng được họ. Ở đây trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu, anh không đánh giá được năng lực của nhân tài nên anh dùng sai. Anh lãng phí nguồn lực ấy đi, người ta không còn chỗ cống hiến buộc người ta phải đi” - ông Vân nói.

Ông Vân cũng cho hay, công tác cán bộ cũng phải theo dõi lâu dài và phải có sự giám sát thường xuyên để tránh tình trạng, có những người tài năng mới chỉ mức độ thôi, đưa đi học lại cho rằng mình là nhân tài rồi, đối tượng được trọng dụng rồi đòi hỏi quá cao: Nhà, xe, chức vụ… trong khi cống hiến cho xã hội thì chưa đong đếm được. Ông Vân cũng nhấn mạnh, muốn chọn được người tài trước tiên phải nhận diện được nhân tài để trọng dụng họ cho đúng sở trường của họ. Ở đây có vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu mà là nhân tài chắc chắn biết dùng nhân tài.

Theo Xuân Hải - Lê Phương/LĐ


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...