Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cơ chế tài chính đặc thù với Thủ đô Hà Nội cần đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước

Ngày 9/6, Quốc hội làm việc dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Sau phần làm việc tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về nội dung này.

Tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách

Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội, gây nên tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về an ninh trật tự xã hội.
{keywords}

Đại biểu Ngô Sách Thực (Đoàn Bắc Giang) phát biểu ý kiến.

Mặc dù, Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012, song trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội.

Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội nêu rõ, mục tiêu, nguyên tắc xây dựng Nghị quyết dựa trên nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, phù hợp chủ trương định hướng của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội. Đồng thời, quá trình xây dựng Nghị quyết bảo đảm tinh thần thực hiện đầy đủ, công khai, minh bạch việc kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của thành phố, giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù thí điểm đối với Thủ đô Hà Nội đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại.

Nghị quyết quy định cho thành phố Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách đặc thù thuộc thành phố quản lý, với các nội dung cơ bản về quản lý thu ngân sách nhà nước, quản lý chi ngân sách nhà nước và mức dư nợ vay, sử dụng Quỹ dự trữ tài chính. Ngoài ra, Điều 6 Nghị quyết còn quy định về điều khoản thi hành, trong đó quy định thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm và xác định rõ trách nhiệm của thành phố Hà Nội, Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết.

Theo Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội nhằm góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu theo các Kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về tiếp tục bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết cần đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012.

Cân đối phù hợp với tình hình và khả năng của ngân sách nhà nước

Thảo luận tại tổ về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội, nhằm tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển mạnh hơn: như thêm danh mục thuế, lệ phí ngoài luật phí và lệ phí đã có; tăng mức, tỷ lệ thu phí, lệ phí ngoài quy định của luật; khi thu phí tăng lên, ngân sách thành phố được hưởng 100% phí tăng thêm; Hội đồng nhân dân Thành phố được quyền quyết định các loại phí, lệ phí…

Mục đích của việc trao các cơ chế, chính sách đặc thù này cho Hà Nội là nhằm tăng nguồn tiền cho đầu tư phát triển. Tán thành với nội dung này, song đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, nhân dân phải được tham gia vào quá trình giám sát, phải được hỏi ý kiến trước các quyết định của Nhà nước. Đặc biệt, cần tham khảo ý kiến người dân trước các quyết định về cơ chế, chính sách có tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp như thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí…

Theo đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), dự thảo Nghị quyết còn một số nội dung cần được làm rõ thêm, điển hình như nội dung về quản lý thu ngân sách. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho biết, đối với cơ chế tăng tỷ lệ thu phí đối với các loại phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định, nội dung này sẽ làm tăng nguồn thu cho ngân sách cho nhà nước nhưng lại đi ngược kế sách "lấy khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc". “Hà Nội đang có điều kiện, nếu các đồng chí xin là có cơ chế, chính sách để chi cho đầu tư, phát triển, tôi đồng tình; còn nếu xin cơ chế, chính sách để tăng thu, cần phải xem lại”, đại biểu kiến nghị.

Bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, đây là điều kiện để Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ông Sơn cho rằng, việc áp dụng cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù vừa phát huy được thế mạnh của địa bàn, vừa tạo sự chủ động cho địa phương. Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn, thí điểm cơ chế đặc thù đối với Hà Nội có thể coi là cách tiếp cận mới: "Thực sự nhiều tỉnh năng động người ta cũng muốn bung ra lắm, nhưng mà luật chúng ta cũng rất khép chặt. Khép chặt có cái đúng là để quản lý, nhưng phải tạo cơ hội để khơi dậy, phát huy được tiềm năng nguồn lực của mỗi địa phương".

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ý kiến đề nghị nguyên tắc xây dựng Nghị quyết cần thể chế hóa để phù hợp với tình hình và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhu cầu thực tiễn phát triển của thành phố Hà Nội và bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Thành phố, đồng thời không gây ảnh hưởng lớn đến cân đối vĩ mô, thực hiện vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp.

* Tại tổ thảo luận số 4, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Cần Thơ, Hưng Yên và Thái Nguyên, các đại biểu đồng tình cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội nhằm góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kinh tế xã hội; trên cơ sở đã có cơ chế đặc thù áp dụng cho TP Hồ Chí Minh thì cần có cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội để tiếp tục bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong tình hình mới.

Đại biểu Ngô Sách Thực (Đoàn Bắc Giang) đồng tình việc có cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ Luật Thủ đô để từ đó thấy các hạn chế khi thực hiện Luật Thủ đô thời gian qua. Đối với phí và lệ phí cần nghiên cứu các mức, loại mà không trong danh mục thì giao HĐND nghiên cứu để có danh mục, mức cụ thể, tạo đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời rà soát các cơ quan, đơn vị đã di dời cần bàn giao lại cơ sở hạ tầng cho thành phố. Các quỹ dự trữ tài chính, tiền lương, vay tăng cao… cần có sự đánh giá đầy đủ và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm sử dụng có hiệu quả; do vậy cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Đoàn Bắc Giang) cho rằng cần có cơ chế khi Hà Nội hỗ trợ các địa phương cấp huyện, cấp xã ở các tỉnh thành khác còn khó khăn trên cả nước. Tuy nhiên việc hỗ trợ này cũng cần có tiêu chí rõ ràng để tránh trùng lặp với các chương trình khác.

Đối với nghị quyết các vấn đề đặc thù cho Thủ đô Hà Nội cần có sự đánh giá việc thực hiện thí điểm của TP Hồ Chí Minh nhằm chỉ ra những hạn chế, yếu kém và khắc phục khi áp dụng tại các địa phương khác.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng đối với nghị quyết các vấn đề đặc thù cho thủ đô Hà Nội thì những yếu kém vừa qua, không phải do cơ chế chính sách mà do những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị...Do đó cần có sự đánh giá việc thí điểm của TP Hồ Chí Minh để có thể chỉ ra những hạn chế yếu kém để có thể áp dụng sang các địa phương khác.

Xem xét chuyển đổi sang đầu tư công với ba dự án thành phần dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 9/6, đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Cũng trong buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung này.
Quan tâm đầu tư các trang thiết bị cho cơ sở y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân
Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về 4 nội dung trong lĩnh vực KT-XH: Báo cáo KT-XH và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam. 
Thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế
Với 94,82% đại biểu tán thành, sáng 8/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 8/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA) với 95,45% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EVFTA
Sáng 8/6, với 94,62% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
TTXVN-Văn Hân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...