Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng: Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trước nhân dân

(BGĐT)- Hôm nay, (20-5), kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc. Sau hơn nửa nhiệm kỳ, hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang đã có nhiều đổi mới, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri. Để đánh giá sâu hơn hoạt động của Đoàn thời gian qua và những giải pháp thời gian tới, Báo Bắc Giang phỏng vấn đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang xung quanh vấn đề này.

Cái được lớn nhất là sự hài lòng của cử tri

Hoạt động của QH nói chung và Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nói riêng thời gian qua được cử tri ghi nhận và đồng tình ủng hộ. Nếu để đánh giá một cách khái quát nhất kết quả của Đoàn thì đó là nội dung nào, thưa đồng chí?

{keywords}

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thu Hồng phát biểu chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.

Quốc hội có ba chức năng chính là: Chức năng lập pháp, chức năng giám sát tối cao và chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tôi cảm nhận là chưa bao giờ cử tri và nhân dân lại quan tâm đến các nội dung mà Quốc hội bàn thảo như hiện nay. Chính vì sự dõi theo sát sao của cử tri khiến mỗi ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh phải nâng cao hơn nữa trình độ, chất lượng hoạt động của mình. 

Qua hơn nửa nhiệm kỳ, có thể nói hoạt động của Đoàn Bắc Giang ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả. Cái được lớn nhất qua mỗi lần tiếp xúc cử tri đó là sự hài lòng, tin tưởng của cử tri. Chúng tôi đã và đang nỗ lực hết sức để làm cầu nối giữa cử tri với QH, truyền tải nguyện vọng chính đáng của cử tri tới diễn đàn QH.

Được biết, cơ cấu đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh thời gian qua có nhiều thay đổi. Điều đó có làm ảnh hưởng đến hoạt động của Đoàn không, thưa đồng chí?

Đầu nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh có 8 đại biểu, trong đó 3 đại biểu Trung ương, 5 đại biểu là người địa phương. Đến nay, theo điều động của tổ chức, cơ cấu này ngược lại, chỉ còn 3 đại biểu của tỉnh; chưa kể đa số đại biểu ứng cử lần đầu (6/8 đồng chí), kinh nghiệm nghị trường ít, tỷ lệ đại biểu nữ đông (5/8 người). Nhân sự là vậy song chúng tôi có khá nhiều thuận lợi. 

Tỉnh quan tâm, chỉ đạo thường xuyên; các ngành, đoàn thể phối hợp tích cực và đặc biệt là kinh nghiệm, thành tựu của Đoàn ĐBQH các khóa trước giúp chúng tôi rất nhiều trong thực hiện nhiệm vụ. Từ những thuận lợi đó, Đoàn có nhiều đổi mới về nội dung, cách thức hoạt động, mục tiêu là để nâng cao chất lượng, đáp ứng trọng trách mà cử tri giao phó.

Đồng chí vừa nói tới những đổi mới trong hoạt động của Đoàn. Cụ thể, đó là những cải tiến nào?

Có nhiều điểm mới song ở đây tôi xin điểm mấy nét chính. Thứ nhất, đó là Đoàn xây dựng được đội ngũ chuyên gia tư vấn gồm hơn 40 người là GS-TS, những chuyên gia đầu ngành ở cả Trung ương và địa phương. Với một khối lượng lớn công việc làm luật, tham góp những vấn đề trọng đại của đất nước, chúng tôi đều tranh thủ sự hỗ trợ của các chuyên gia để có sự chuẩn bị, đầu tư tốt nhất nội dung khi phát biểu trước QH.

Thứ hai, chúng tôi tăng cường giám sát theo chuyên đề, những vấn đề “nóng” tại địa phương. Thông qua giám sát để có những kiến nghị trúng, đúng với các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và các cấp chính quyền địa phương.

Thứ ba, việc tiếp xúc cử tri được thực hiện nhiều hơn (phân nhóm 2 đại biểu tiếp xúc một nơi); địa bàn mở rộng hơn (có thể tại nơi ở, nơi làm việc, không giới hạn ở đơn vị bầu cử); nội dung phong phú hơn (tiếp xúc theo chủ đề, dự thảo luật…).

Ngoài ra, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư có nhiều chuyển biến. Thay vì chỉ chuyển đơn, những đơn thư phức tạp Đoàn đều cử cán bộ đi khảo sát, nắm thực tế để có hướng giải quyết phù hợp…

Phát biểu đúng, trúng chứ không phải tạo dấu ấn nghị trường

Thưa đồng chí! Một trong những vấn đề cử tri dễ theo dõi ĐBQH nhất đó là thông qua các buổi thảo luận, chất vấn tại hội trường. Lâu nay, cử tri vẫn có “định kiến” rằng Đoàn Bắc Giang phát biểu còn… hiền quá, chưa làm “nóng” nghị trường. Là Trưởng Đoàn, đồng chí nghĩ sao về vấn đề này?

Qua hơn nửa nhiệm kỳ, có thể nói hoạt động của Đoàn ĐBQH Bắc Giang ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả và cái được lớn nhất qua mỗi lần tiếp xúc cử tri đó là sự hài lòng, tin tưởng của cử tri.

Thực ra, cử tri nghĩ như vậy cũng có lý của họ bởi bà con chỉ theo dõi hoạt động của Đoàn qua các buổi truyền hình trực tiếp. Tuy nhiên, những hình ảnh đưa lên truyền hình chỉ là một phần, là bề nổi của hoạt động QH mà thôi. Còn có nhiều cách để tham gia đóng góp ý kiến với QH như thảo luận tổ, gửi văn bản, thậm chí trao đổi trực tiếp. Dù cách nào thì Đoàn ĐBQH Bắc Giang xác định phát biểu đâu đúng, trúng đấy, trên tinh thần xây dựng chứ không phải để tạo dấu ấn nghị trường.

Điểm lại hơn nửa nhiệm kỳ qua, Đoàn Bắc Giang có khá nhiều bài phát biểu chất lượng, nội dung quan trọng. Đơn cử như ngay từ kỳ họp thứ Hai, chúng tôi đã có những đề xuất về tái cơ cấu nông nghiệp, làm sao để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao. Các kỳ họp tiếp theo là những ý kiến tham luận về phát triển Chính phủ điện tử, cuộc cách mạng công nghệ 4.0; vấn đề cải cách bộ máy hành chính nhà nước; nạn chặt phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải… Tất cả các ý kiến của Đoàn đều được QH ghi nhận, bổ sung vào giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Trong các buổi tiếp xúc, có thể nói cử tri phản ánh khá nhiều bức xúc ở cơ sở và mong muốn được truyền tải tới QH. Trên nghị trường, những vấn đề nào các ĐBQH tỉnh đã chất vấn và hiệu quả ra sao, thưa đồng chí?

{keywords}

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tại kỳ họp Quốc hội.

QH có hơn 500 đại biểu, thời gian chất vấn cho mỗi Bộ trưởng ở một kỳ họp khoảng hơn một ngày, do đó đại biểu phải bấm nút nhanh mới có cơ hội được hỏi. Đoàn Bắc Giang có một số lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về ô nhiễm nước trên sông Cầu, cơ chế giải quyết vấn đề liên kết vùng và biện pháp khắc phục. Bộ trưởng đã có những trả lời xác đáng và đưa ra những quyết sách hợp lý như thiết lập hệ thống quan trắc, gắn trách nhiệm của các địa phương. Hay cũng chất vấn Bộ này, chúng tôi đặt vấn đề về hàng trăm công-ten-nơ rác thải không có người đến nhận tại các cảng trong cả nước; trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp để không biến nước ta có nguy cơ thành bãi rác của thế giới…

Thưa đồng chí, vậy có kiến nghị nào Đoàn đưa ra chưa được xử lý dứt điểm không?

Có chứ, ví dụ chúng tôi nhiều lần kiến nghị về nguồn vốn để nâng cấp quốc lộ 31 nối từ TP Bắc Giang lên huyện Lục Ngạn - vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước, tuy nhiên đến nay vẫn còn khó khăn.

Tiếp tục theo đuổi các vấn đề cử tri quan tâm

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí có thể cho biết nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ là gì và ngay trong kỳ họp tới?

Như tôi đã nói ở trên, hoạt động của Đoàn ĐBQH đang đi vào nền nếp, các đại biểu đã có kinh nghiệm nghị trường, với kết quả đạt được sau ba năm hoạt động, chúng tôi xác định bốn nhiệm vụ chính như sau. Trước tiên, thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật, lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật chất lượng. Thứ hai, nâng cao chất lượng giám sát, không chỉ thực hiện giám sát theo chuyên đề của QH mà còn coi trọng hoạt động giám sát của Đoàn và mỗi đại biểu. Thứ ba, duy trì tốt việc tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo. 

Và cuối cùng, đặc biệt quan trọng đó là tổ chức tốt việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, liên hệ chặt chẽ với cử tri để kịp thời phản ánh nguyện vọng chính đáng của cử tri tới QH. Cùng đó, Đoàn tích cực phối hợp với các Ủy ban của QH tổ chức các hoạt động của QH tại tỉnh để các đại biểu nắm bắt thêm tình hình địa phương, từ đó có sự ủng hộ, tạo điều kiện cho tỉnh.

Với tư cách là Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí có điều gì muốn chia sẻ, gửi tới cử tri trong tỉnh?

Trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, hoạt động của Đoàn ĐBQH Bắc Giang đạt được một số kết quả như vậy không thể không kể đến sự đóng góp, ủng hộ và tin tưởng của cấp ủy, chính quyền và cử tri trong tỉnh. Thay mặt Đoàn, tôi xin cảm ơn về điều đó và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ trong thời gian tới. Với những ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi và phản ánh tới QH để ngày càng làm tốt hơn vai trò của mình, trách nhiệm với nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hôm nay, khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Theo chương trình, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày và họp phiên bế mạc vào ngày 14-6-2019.
 
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Tập trung cho công tác xây dựng pháp luật
Chiều 17-5, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Lễ phát động "Tháng nhân đạo" 2019
Sáng 11-5, tại khu vực Tượng đài "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh", quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự Lễ phát động và thực hiện nghi thức bấm nút khởi động “Tháng nhân đạo” 2019 với chủ đề “Kết nối, sẻ chia và lan tỏa”.
 
Đề nghị Quốc hội ra nghị quyết xử lý nghiêm lái xe sử dụng ma túy, rượu bia
Sáng 9-5, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội.
 
Khai mạc phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 8-5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 48/NQ-TW
Chiều 6-5, tại Nhà Quốc hội, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Ban chỉ đạo) đã tiến hành phiên họp thứ nhất với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Ngân.
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng thăm, tặng quà Tết thiếu nhi 1 - 6 tại Việt Yên
(BGĐT) - Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 (từ ngày 1-6 đến 30-6) và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1 - 6, đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đến thăm, tặng quà trẻ em Trường Mầm non Âu Cơ, thị trấn Bích Động (Việt Yên). 
 

Thu Hương (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...