Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mối nguy hại từ việc xem nhẹ một căn bệnh nặng

(BGĐT) - Chủ nghĩa cá nhân (CNCN) là căn bệnh đặc biệt nguy hại, thế nhưng hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên vẫn còn biểu hiện xem nhẹ, thiếu ý thức trách nhiệm trong phòng vệ, đấu tranh. Thậm chí, nhiều nơi vẫn còn biểu hiện xô lệch và sai lệch trong nhận thức, tổ chức thực thi nhiệm vụ “đánh giặc từ bên trong” như chỉ lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Tự cho mình là tốt, là hay

CNCN có nguồn gốc từ mỗi con người cụ thể. Với cán bộ, đảng viên cũng vậy. CNCN manh nha, hình thành, trỗi dậy từ chính lòng tham, sự vị kỷ, cùng với lối nghĩ cực đoan mang xu hướng “tự tôn”, tự sùng bái bản thân; thể hiện thông qua tâm trạng, thái độ, hành vi thường nhật, mà dấu hiệu dễ nhận biết là sự ham muốn quyền bính, lợi ích cá nhân (cá thể). Những người rơi vào CNCN thường quan niệm và tuân theo những “triết lý” tự đúc rút; thể hiện sự bảo thủ cao độ, không hạn chế mục đích và ham muốn bản thân. 

Họ là nhất-hơn tất cả và chỉ lao động hoặc sáng tạo vì lợi ích của riêng họ mà bất chấp bỏ qua những mối liên hệ, mối quan hệ xung quanh trong đời sống xã hội. Những dấu hiệu này đã sớm được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc rút, chỉ rõ: CNCN là “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”; là việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết; chỉ biết “mọi người vì mình” mà không lo “mình vì mọi người”.

CNCN hoàn toàn khác với sự cá tính. Dễ nhận thấy, cá tính là phẩm chất có nhiều mặt tích cực, trong khi CNCN là hoàn toàn tiêu cực. Cá tính là cái cần thiết, có thể gọi là “cái tôi” theo nghĩa nào đó để khẳng định “tôi là tôi”- điều đó tạo ra bản sắc và giá trị riêng của mỗi con người. Điều đó khác hoàn toàn với triết lý “tôi là nhất” của CNCN.

Khác nhau là vậy, nhưng ranh giới giữa cá tính và CNCN rất mong manh. Nếu quá đề cao cá tính một cách thái quá, hoặc đến độ bảo thủ, cực đoan vì lợi ích của bản thân thì bấy giờ cá tính đã trở thành CNCN. Ví như cán bộ có sự quyết đoán là tốt (đó là cá tính đáng quý), nhưng nếu anh quyết đoán thái quá, bất chấp nguyên tắc, vi phạm dân chủ thì vô hình trung đã rơi vào độc đoán-đấy cũng là lúc cán bộ trượt chân ngã vào CNCN. Hay như khi cán bộ nêu cao tinh thần thực hành phê bình là tốt, nhưng nếu lạm dụng việc phê bình để bôi nhọ, hạ bệ đồng đội, anh em để tự suy tôn, ngợi ca mình... thì đó là biểu hiện của CNCN.

Ngược lại, CNCN thường được “ngụy trang” trong dáng dấp của cá tính. Nhiều người vẫn nhầm tưởng, thậm chí là bày tỏ sự tôn trọng bởi một số cán bộ, đảng viên dám sống đúng với cá tính của mình; thế nhưng, phía sau cá tính đáng quý ấy của một ai đó rất có thể là một bức tranh đen đặc CNCN.

Điều đáng lo ngại hiện nay là không ít cán bộ, đảng viên có tâm lý tự ngợi ca mình, hài lòng với chính mình, không tự nhận ra những khuyết thiếu, tồn tại của bản thân để xác định mục tiêu, trách nhiệm, thái độ, động lực, động cơ và phương hướng để không ngừng rèn luyện, hoàn thiện nhân cách, nhân phẩm làm người và hướng đến các giá trị đạo đức cách mạng của người đảng viên, người chiến sĩ cộng sản trung kiên, mực thước. 

Thế nhưng, đáng buồn là nhiều cán bộ tự phong cho mình sự hoàn hảo, rồi bỏ ngoài tai tất cả những góp ý chân tình, đúng đắn của tập thể, đồng đội và quần chúng. Cùng đó, hiện nay tâm lý tập thể, tâm lý cộng đồng ở nhiều nơi, kể cả trong nội bộ tổ chức đảng, vẫn còn nặng biểu hiện “dĩ hòa vi quý”. Đó là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tích tụ các khuyết điểm nhỏ thành sai lầm lớn rồi hình thành, kết nên CNCN ở cán bộ, đảng viên.

Tiếp cận như vậy để thấy, CNCN-một căn bệnh hết sức nguy hại, đang diễn ra phổ biến, hậu quả và hệ lụy khó lường, nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số nơi lại hồn nhiên xem nhẹ, chưa thật sự đề cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi. Biểu hiện rõ nét nhất là sức chiến đấu của tổ chức đảng còn nhiều vấn đề đáng bàn; việc thực hành nguyên tắc tự phê bình và phê bình bị xem nhẹ, thiếu thực chất.

Việc không phải của mình!

Vì không nhận thức rõ nguồn gốc, bản chất, mức độ nguy hại của CNCN; lại tự cho rằng bản thân mình luôn cố gắng học tập, rèn luyện nên tuyệt nhiên đã trở thành người tốt, có nhân cách hoàn thiện, nhiều cán bộ, đảng viên thường sinh ra tâm lý mặc nhiên, bàng quan, vô cảm trước vấn nạn đang hiện hữu nhãn tiền. Nhiều cán bộ, đảng viên không nhận thấy trách nhiệm bản thân mà phiến diện cho rằng việc chống CNCN là việc của cấp ủy, chính quyền, của cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm. 

Ở nhiều nơi, khi CNCN xuất hiện phổ biến, gây hậu quả nghiêm trọng thì mới “phất cờ” tuyên chiến, đấu tranh theo lối thụ động, vuốt đuôi. Lại không ít cán bộ cho rằng, CNCN là bệnh của một cá nhân (cá thể) cụ thể nên rất dễ dàng nhận diện, đấu tranh, triệt tiêu được ngay... Thế nhưng, tất cả những nhận thức ấy hoặc là rơi vào sai lầm, hoặc phiến diện một chiều, hoặc mang nặng sự áp đặt chủ quan.

Nên nhớ, CNCN chỉ hình thành, tồn tại và “ký sinh” như ung nhọt trong cơ thể, nhân phẩm mỗi con người cụ thể. Do đó, chống CNCN trước hết thuộc trách nhiệm của mỗi cá nhân, giống như mỗi người phải có trách nhiệm chăm lo sức khỏe bản thân, làm cho đời sống tinh thần trở nên sạch sẽ, lành mạnh.

Để làm được điều đó, đòi hỏi qua từng ngày, từng tuần, từng việc làm, hoạt động cụ thể, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ trách nhiệm “tự soi” lại mình để nghiêm khắc, kiên trì “tự sửa” như đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Đừng một ai tự cho mình là hoàn hảo; đừng bất chấp thực hành những việc chỉ có lợi cho mình, lại có hại cho người khác hoặc tổ chức. 

Mỗi cán bộ, đảng viên cần biết cách "định vị lại", "cấu trúc lại" và thường xuyên điều chỉnh cách sống, cách làm theo hệ giá trị chuẩn mực đạo đức cách mạng. Bất cứ khi nào có chuyện khác biệt, rơi vào tình huống có vấn đề, từng người không nên cố gắng tìm những lý do bên ngoài. Thay vào đó, hãy cố gắng tìm trong bản thân xem mình làm điều đó đúng hay sai; có gây tổn hại gì đến người khác không? Có làm điều gì đó trái với luân thường, đạo lý hay không? Có tuân theo các nguyên tắc phổ quát về chân, thiện, mỹ?

Đối với tổ chức, ở mọi cấp, mọi ngành cần nhất quán quyết tâm chính trị rất cao để nhận diện, đẩy lùi CNCN trong nội bộ. Tất nhiên, nhận diện CNCN không phải chuyện giản đơn, do đó, các cấp cần có chủ trương phát huy tinh thần tự giác, đề cao trách nhiệm của từng thành viên trong tập thể; đồng thời phải có cơ chế để giám sát, có chế tài để xử phạt, xử lý một cách nghiêm khắc, triệt để.

Với tinh thần đó, từng cán bộ, đảng viên phải có thái độ tích cực, quyết liệt, không khoan nhượng trong nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn các dấu hiệu, biểu hiện CNCN của đồng chí, đồng nghiệp, nhất là người đứng đầu. Bàn về giải pháp đẩy lùi CNCN, trong bài nói “Phát huy chủ nghĩa tập thể, tiếp tục chống CNCN”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị từng quan niệm, cho rằng cuộc đấu tranh giữa CNCN và chủ nghĩa tập thể luôn diễn ra hằng ngày, hằng giờ. 

CNCN tuy rất nguy hiểm và ngoan cố, nhưng nó kỵ chủ nghĩa tập thể như lửa kỵ nước. Chỉ cần mỗi cán bộ, đảng viên có dũng khí đứng lên phất cao ngọn cờ chủ nghĩa tập thể, nói nhiều về chủ nghĩa tập thể, nghĩ nhiều đến chủ nghĩa tập thể, gây một phong trào làm việc nhiều cho tập thể, tổ chức đông đảo quần chúng hành động theo khẩu hiệu “ta vì mọi người, mọi người vì ta”, nhất định chúng ta sẽ thắng lợi.

111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Người về mang tới những mùa Xuân
“… Tôi đến Bến Nhà Rồng một chiều xuân nắng tỏa. Qua hàng dừa tóc xõa nhìn sóng nước xôn xao. Tiếng còi tầm ôi da diết làm sao. Tưởng con tàu rời xa bến năm nào…”.
Để đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị lan tỏa sâu rộng hơn
(BGĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về việc mở đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có những cách làm sáng tạo, quyết liệt, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội. 
Vạch trần luận điệu xuyên tạc, xét lại lịch sử hòng thực hiện "Cách mạng mầu - Cách mạng trắng" ở Việt Nam
(BGĐT) - Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954 và đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam năm 1975 do Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta thực hiện là những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc, mang tầm vóc quốc tế và có tính thời đại sâu sắc. 

Nguyễn Tấn Tuân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...