Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ánh Dương dự Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020”

Cập nhật: 17:39 ngày 25/11/2020
(BGĐT)-Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản JETRO tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020” với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu, khách mời.
{keywords}

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc.

Đến dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; lãnh đạo một số bộ, ngành và hơn 30 tỉnh, TP cùng hàng trăm doanh nghiệp tiêu biểu trên cả nước.

Về phía Nhật Bản có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio; Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh và Văn phòng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng; lãnh đạo các cơ quan kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển, lao động, du lịch, các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ánh Dương làm Trưởng đoàn. Cùng dự có lãnh đạo các Sở: Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và một số doanh nghiệp trên địa bàn.

{keywords}

Hội nghị "Gặp gỡ Nhật Bản 2020" với sự tham dự của lãnh đạo hơn 30 tỉnh, thành phố.

Nhật Bản - đối tác quan trọng của Việt Nam

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Mối quan hệ Việt Nam- Nhật Bản đang phát triển rất tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực nhất là đầu tư, thương mại, nông nghiệp, lao động, khoa học công nghệ, giao lưu văn hóa. 

Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong hợp tác hai nước. Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay ODA lớn nhất cho Việt Nam với tổng số vốn ODA lũy kế đạt khoảng 31 tỷ USD. Là nhà đầu tư lớn thứ hai với tổng số vốn đầu tư lũy kế đến tháng 8/2020 đạt hơn 60,2 tỷ USD, hiện hơn 4.500 dự án còn hiệu lực. Là đối tác thương mại lớn thứ 4 với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt gần 40 tỷ USD. Là đối tác du lịch lớn thứ 3 của Việt Nam với tổng lượng khách thăm lẫn nhau trong năm 2019 đạt hơn 1,4 triệu lượt người.

Từ năm 2017, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” thường niên với sự tham gia của lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ở cấp địa phương, cũng diễn ra nhiều hội nghị giao lưu hợp tác. Đến nay, các địa phương của hai nước đã ký kết hơn 70 văn bản hợp tác với nhiều dự án lớn được thực hiện tại các tỉnh, TP. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng Hội nghị lần này có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn hai nước tiếp tục thắt chặt quan hệ ngoại giao; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực.

Chào mừng Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020” tại Hà Nội, ngài Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã chia sẻ những tổn thất nặng nề do thiên tai, lũ lụt mà miền Trung Việt Nam vừa phải gánh chịu. Ngài Đại sứ cho rằng: Việt Nam là đất nước thân thiện, mến khách, có sức vươn lên mạnh mẽ. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nước có mức tăng trưởng âm nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phát triển, tăng trưởng cao. 

Chính phủ Nhật Bản đã có kế hoạch phân tán, dịch chuyển nhiều cơ sở sản xuất sang các nước Đông Nam Á trong đó Việt Nam là một lựa chọn hàng đầu. “Nhiệt huyết đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đang rất mạnh mẽ. Hôm nay có rất nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh, TP dự hội nghị. Mong các vị quan tâm đến hai vấn đề: Thứ nhất là thủ tục đăng ký đầu tư nên quy về một mối (một cửa). Thứ hai là tăng cường nguồn nhân lực biết tiếng Nhật Bản nhất là năng lực giao tiếp”- Đại sứ Yamada Takio đề nghị.

Nhiều cơ hội hợp tác đầu tư

Tại Hội nghị diễn ra 3 phiên thảo luận. Phiên 1: Đầu tư, thương mại, nông nghiệp. Phiên 2: Kinh nghiệm của Nhật Bản về chuyển đổi số, đô thị thông minh. Phiên 3: Hợp tác địa phương, nguồn nhân lực và giáo dục- đào tạo.

Theo đó, lãnh đạo các địa phương và đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế Nhật Bản, các doanh nghiệp hai bên đã tập trung trao đổi, chia sẻ về các vấn đề như: Các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam quan tâm đến vấn đề gì; làm thế nào để mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế và đầu tư vào các tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng nào; Việt Nam muốn lựa chọn đối tác Nhật Bản như thế nào để phát huy thế cụ thể ra sao...

{keywords}

Quang cảnh Hội nghị.

Lấy ví dụ về Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Cơ quan này đã hoạt động tại Việt Nam được 30 năm, trước kia thường tập trung vào các dự án truyền thống như hạ tầng, nước sạch, hệ thống nước thải. Tuy nhiên, thời gian tới JICA sẽ quan tâm đến các dự án hỗ trợ có quy mô nhỏ, chi phí thấp nhưng rất hữu ích, thiết thực, mở ra triển vọng khai phá, tạo bước đột phá cho các doanh nghiệp nông nghiệp. Đơn cử như Dự án chợ đầu mối hoa hay thụ phấn cho hoa được triển khai ở tỉnh Lâm Đồng đã góp phần phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa và phát triển cộng đồng ở đây.

Để hợp tác được phát triển, nhiều lãnh đạo địa phương mong muốn Nhật Bản quan tâm hỗ trợ nhất là về nông nghiệp công nghệ cao. Tổng hợp các ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam, 80% doanh nghiệp cho rằng họ đang gặp khó khăn về đất đai, nhiều địa phương chưa có chính sách trong duy trì đất đai để sản xuất được lâu dài, ổn định. Hay như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được đưa vào các địa phương nhưng không áp dụng theo đúng quy định. Chẳng hạn như căng lưới khắp nơi để hạn chế côn trùng nhưng lại mở cửa, mở cổng. Hiểu biết về công nghệ cao không đến nơi đến chốn dẫn đến áp dụng sai nhất là khâu chọn mua giống, cây con trôi nổi, hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng, không chính thống. Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng không phù hợp, sai liều lượng và thời gian dẫn đến hậu quả khó lường; năng suất hiệu quả công nghệ cao giảm sút.

Tiềm năng hợp tác giữa Bắc Giang và Nhật Bản

Phát biểu tại phiên thảo luận thứ 3: “Hợp tác địa phương, nguồn nhân lực và giáo dục- đào tạo”, với chủ đề “Tiềm năng hợp tác giữa Bắc Giang và các địa phương Nhật Bản”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh: Bắc Giang có 1,8 triệu dân, diện tích đứng thứ 14 cả nước. Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang luôn có mức tăng trưởng kinh tế đứng trong tốp dẫn đầu cả nước. Sản xuất nông nghiệp chủ lực như: Cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà luôn nằm trong tốp 3 cả nước. Hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp và các dịch vụ được đầu tư phát triển ngày càng đồng bộ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển trong hiện tại và tương lai của tỉnh.

{keywords}

Đồng chí Lê Ánh Dương gặp gỡ đại diện một số doanh nghiệp Nhật Bản.

Tính đến nay, Bắc Giang đã thu hút được 27 dự án FDI Nhật Bản với tổng vốn đăng ký trên 270 triệu USD. Tiếp nhận 21 dự án, tiểu dự án ODA với tổng số vốn 489,11 tỷ đồng (tương đương 21 triệu USD) và một số dự án hỗ trợ an sinh xã hội của Đại sứ quán, các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản. 

Lao động và thực tập sinh của Bắc Giang sang Nhật Bản ngày càng nhiều. Quả vải thiều Bắc Giang lần đầu xuất khẩu sang Nhật Bản năm 2020 và được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá cao. Hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác hữu nghị nhân dân Bắc Giang-Nhật Bản cũng được quan tâm tổ chức.

Với tiềm năng và khả năng của hai bên, đồng chí Lê Ánh Dương cho rằng sự hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang và các đối tác Nhật Bản còn nhiều dư địa để phát triển ngày càng sâu sắc và hiệu quả hơn. Lĩnh vực tỉnh đang quan tâm và có thế mạnh như: Đầu tư sản xuất công nghiệp; sản xuất-bảo quản- chế biến- xuất khẩu nông sản; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng chí cho biết: Bắc Giang dự kiến dành riêng một khu công nghiệp, đô thị dịch vụ cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Vì vậy, Đại sứ quán, các tổ chức về hợp tác, đầu tư, thương mại, du lịch, tổ chức phi chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp của Nhật Bản hãy đến với Bắc Giang để tìm hiểu. Từ đó xây dựng các mối quan hệ hợp tác cụ thể trên từng lĩnh vực. Mong được Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tiếng Nhật; có thể triển khai lớp học tiếng Nhật Bản trong các trường chuyên của tỉnh.

Tỉnh Bắc Giang cũng mong muốn kết nghĩa với một địa phương của Nhật Bản. Bắc Giang xác định quan hệ hợp tác giữa hai địa phương là nền tảng, cơ sở vững chắc để triển khai hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, đem lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên.

{keywords}

Đồng chí Lê Ánh Dương và các đại biểu thăm gian trưng bày sản phẩm của Bắc Giang tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, tỉnh Bắc Giang tham gia gian trưng bày giới thiệu một số nông sản đặc trưng của tỉnh.

Thu Phong

Bộ trưởng Bộ GTVT: Đang thu xếp vốn ODA của Nhật Bản để nâng cấp tuyến Hà Nội - Bắc Giang
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang chỉ đạo hoàn thiện các điều kiện để tuyến đường Hà Nội - Bắc Giang được công bố là cao tốc.
Đưa gần 450 công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước
Ngày 14/11/2020, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng Nhật Bản thực hiện hai chuyến bay đưa gần 450 công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước an toàn. 
Phát triển kinh tế lâm nghiệp ở Lục Ngạn: Gắn quy hoạch trồng rừng với chế biến
(BGĐT) - Nhắc đến Lục Ngạn (Bắc Giang), nhiều người nghĩ ngay đến mảnh đất bạt ngàn cây ăn quả, như vải thiều và cây có múi. Thế nhưng, Lục Ngạn còn có tiềm năng không kém phần quan trọng là kinh tế lâm nghiệp. 
Ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)
Ngày 15/11, ngay sau Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4, Lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dưới sự chứng kiến của các nhà Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác.


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...