Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lắng nghe, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cử tri: Bài 3 - Tăng niềm tin, tăng trách nhiệm

Cập nhật: 10:05 ngày 30/10/2020
(BGĐT) - Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 đang tiến hành kỳ họp thứ 10. Điều đó có nghĩa chỉ còn hơn một kỳ họp nữa, nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ kết thúc. Nhìn lại chặng đường gần 5 năm qua, Đoàn ĐBQH Bắc Giang đã có nhiều kết quả nổi bật, góp phần làm giàu thêm truyền thống vẻ vang 75 năm Quốc hội Việt Nam. 

Tuy nhiên, vẫn có việc Đoàn thấy còn băn khoăn, chưa hài lòng, “mắc nợ” với cử tri. Niềm tin của cử tri càng tăng thì trách nhiệm của mỗi ĐBQH càng lớn, ĐBQH càng phải có bản lĩnh, trình độ và hiểu biết, dám nói, dám chịu trách nhiệm.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ĐBQH Bắc Giang, người nổi tiếng với chất vấn “cao tốc nhưng mãi chưa là cao tốc” khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải cho biết: Tuyến cao tốc Hà Nội- Bắc Giang đi vào khai thác đã lâu nhưng đường gom đoạn Hà Nội- Bắc Ninh không có, xe máy, ô tô đi chung làn; các điểm cầu Xương Giang, Như Nguyệt bị thắt nút cổ chai khiến tốc độ lưu thông chậm, nguy cơ cao xảy ra tai nạn và ùn tắc. Chính vì những bất cập đó mà tôi đã chất vấn Bộ trưởng về chủ trương và lộ trình để tuyến đường này “thực sự là cao tốc” chứ không thể như hiện tại, cao tốc mà chưa phải là cao tốc, cử tri lần nào tiếp xúc cũng kiến nghị.

{keywords}

Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Bắc Giang gặp gỡ giáo viên, học sinh Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên).

Chất vấn là vậy, Bộ trưởng tiếp thu nhưng về xây dựng hệ thống đường gom, hiện Bộ đang khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tiến độ chậm. Còn đầu tư cầu Xương Giang (qua sông Thương) và cầu Như Nguyệt (qua sông Cầu) thì không thể bổ sung hạng mục đầu tư được, chỉ có thể giảm ùn tắc bằng tổ chức giao thông. Như vậy, tất cả các bất cập, kiến nghị của cử tri dù xác đáng nhưng đều chưa có giải đáp cụ thể, vẫn “bí” kinh phí, mặt bằng…

Nhiều kiến nghị khác, ví dụ liên quan tới ô nhiễm nước sông Cầu, khi Đoàn Bắc Giang chất vấn về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên- Môi trường song câu trả lời cũng chưa được trọng tâm, cụ thể. Thậm chí cả việc đề nghị truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho cụ Dương Thị Nức (đã nêu ở các kỳ báo trước) tuy đã kiến nghị cả năm trời vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Đơn thư khiếu nại tố cáo do Đoàn ĐBQH Bắc Giang chuyển tới, đa số được các cơ quan có liên quan trả lời, tuy nhiên chất lượng giải quyết nhiều cơ quan còn hạn chế, cá biệt có nơi còn giải quyết không đúng quy định của pháp luật, kéo dài thời gian, gây tâm trạng bức xúc cho người khiếu nại tố cáo.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Bắc Giang đạt được nhiều thành tựu nổi bật về KT-XH, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Thành tựu đó có sự đóng góp trí tuệ, công sức của Đoàn ĐBQH cũng như từng cá nhân ĐBQH khu vực tỉnh Bắc Giang.

Có ba vấn đề nổi bật là:

1, Đoàn đã thực sự đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri, kịp thời nắm bắt những tâm tư, tình cảm, đặc biệt là những vấn đề nổi cộm ở địa phương, từ đó có sự trao đổi, tư vấn cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết cũng như tích cực giám sát, đôn đốc việc thực hiện; qua đó góp phần tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân, cử tri đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.

2, Đoàn ĐBQH cũng đã thực hiện rất tốt vai trò là cầu nối, đưa đến nghị trường Quốc hội, phản ánh đến Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư nhiều đề xuất, kiến nghị chính đáng của tỉnh; qua đó tháo gỡ được nhiều nút thắt về thể chế, chính sách, thúc đẩy KT- XH của tỉnh phát triển nhanh, đúng hướng.

3, Đoàn ĐBQH và các đại biểu thông qua sinh hoạt Quốc hội có nhiều thông tin về những cách làm hay, hiệu quả của các tỉnh, thành phố đã chủ động tư vấn, đóng góp ý kiến để lãnh đạo tỉnh vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế địa phương, mang lại nhiều kết quả ấn tượng trong chỉ đạo, điều hành phát triển KT- XH.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ánh Dương

Một băn khoăn nữa của các ĐBQH, đó lại là từ chính phía cử tri. Đi tiếp xúc cử tri, nhiều vị ĐBQH tâm sự, nhiều cuộc, cử tri đến phát biểu như “cháy nhà chết người”, đùng đùng xả cho “sướng mồm”, hả giận song không cần nghe giải đáp, nói xong lại… đạp xe về. Nhiều ý kiến cử tri mới chỉ “nghe nói”, mới thấy “hiện tượng” nhưng đã quy nạp thành ra “bản chất”, nói quá lên, khiến không khí tiếp xúc nặng nề, thậm chí làm phức tạp tình hình. 

Cá biệt có người đi khiếu kiện chuyên nghiệp, kỳ tiếp dân nào cũng tới, cũng đòi hỏi, trong khi đã được cán bộ giải thích không thể giải quyết được hơn. Ngược lại, có vấn đề cử tri có tâm tư, khúc mắc thật nhưng không biết cách diễn đạt; thành thử ra, nếu đại biểu không lắng nghe, không chắt lọc và phân loại thì dễ bị bỏ qua những ý kiến xác đáng, những quyền lợi chính đáng của cử tri.

Với việc xử lý đơn thư cũng vô cùng phức tạp. Trong thời đại vi tính, tin học, một nội dung đơn thư được người dân phô-tô, sao in gửi khắp nơi; gửi năm này chưa giải quyết xong thì lưu lại, sang năm gửi tiếp nên đơn thư gửi tới nhiều mà nội dung trùng lặp, nhiều nơi nhận. Theo thống kê của Đoàn ĐBQH Bắc Giang, chỉ có khoảng hơn 20% số đơn thư gửi tới là có thể xem xét đủ điều kiện giải quyết và chuyển tới cơ quan chức năng được; số còn lại hoặc đã trả lời, hoặc trả lời rồi nhưng dân vẫn kiến nghị, đòi hỏi quá thẩm quyền…, làm khó cho cán bộ, người tiếp nhận phải đọc và sàng lọc.

Hoạt động tiếp xúc cử tri, dù đã có nhiều đổi mới, tiếp xúc theo chuyên đề, linh hoạt trong các điểm tiếp xúc song trên thực tế, không ít buổi tiếp xúc còn hình thức. Có nơi chủ yếu là “đại cử tri” đi dự họp, phát biểu xuôi chiều, do đó khó có ý kiến đắt, phản ánh đúng những băn khoăn, bất cập ở cơ sở. Lại có những nơi ngược lại, cử tri tranh thủ diễn đàn, tiếp xúc với ĐBQH để đấu tố cán bộ, đòi hỏi quá mức, thậm chí quá đáng về chế độ…

Để thực sự là người đại biểu của dân

ĐBQH không phải là một nghề và không có trường lớp nào đào tạo ra các nghị sĩ nghị trường cả mà dù chuyên trách hay không, ĐBQH phải là người đại diện cho cử tri, nhân dân. Niềm tin của cử tri càng tăng thì trách nhiệm của mỗi ĐBQH càng lớn, ĐBQH càng phải có bản lĩnh, hiểu biết trước các vấn đề mình đề cập.

{keywords}

Đoàn ĐBQH Bắc Giang bấm nút thông qua các nghị quyết tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

“Nhiều cử tri có “định kiến” Đoàn ĐBQH Bắc Giang phát biểu còn hiền quá, ít làm nóng hội trường nhưng không hoàn toàn như vậy. Những gì cử tri thấy trên ti vi qua các buổi truyền hình trực tiếp chỉ là một phần hoạt động của Quốc hội mà thôi. Quan điểm của chúng tôi là phát biểu trên tinh thần xây dựng, truyền tải đầy đủ và kịp thời ý kiến cử tri bằng nhiều cách (có thể gửi văn bản, thảo luận, thậm chí trao đổi trực tiếp) chứ không phải để tạo dấu ấn nghị trường. Đặc biệt, dù phát biểu, kiến nghị gì thì đều phải cân bằng, hài hòa giữa các lợi ích: Lợi ích người dân, lợi ích địa phương và cả lợi ích quốc gia”- bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Bắc Giang bày tỏ.

Thực tế không có cơ quan, đơn vị, địa phương nào muốn vấn đề của ngành mình “được” Quốc hội mang ra mổ xẻ, chưa kể đấy là những vấn đề trái chiều, nhạy cảm. Vậy nên, để chất vấn hay gửi văn bản đề nghị trả lời, mỗi ĐBQH phải rất bản lĩnh, dám nói dám làm, dám chịu trách nhiệm và cả hậu quả. Đôi khi, đó còn là những vấn đề hết sức tế nhị khi đa phần lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư đều là ĐBQH, kỳ họp nào cũng gặp, cùng thảo luận tổ; cứ đeo bám, chất vấn trên hội trường, rồi gửi văn bản kiến nghị, ít nhiều đều ngại.

{keywords}

Đại biểu Hà Thị Lan phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất trong một quốc gia. Để giải quyết hài hòa, cân bằng giữa các lợi ích là điều không đơn giản. Điều đó đòi hỏi mỗi ĐBQH phải nâng cao trình độ, chất lượng hoạt động và thực sự tâm huyết. Đơn cử như việc cấp “sổ đỏ” ở Nông trường cam Bố Hạ, nếu không sát sao, chính quyền không quyết liệt, không vận dụng linh hoạt trên cơ sở vì quyền lợi của nhân dân thì khó có thể giải quyết được. Hay việc ngập úng, xuống cấp ở các cống chui trên cao tốc Hà Nội- Bắc Giang, nếu ngại, không giám sát đến cùng thì hàng vạn người dân, công nhân ngày ngày đi làm qua tuyến đường này khổ, đại biểu chưa hết trách nhiệm với dân.

Quốc hội khóa XIV sắp hoàn thành nhiệm kỳ với nhiều kết quả tốt đẹp. Đoàn ĐBQH Bắc Giang với 7 đại biểu, trong đó có 3 đại biểu chuyên trách, 4 đại biểu kiêm nhiệm. Ngoài thời gian làm đại biểu đại diện của dân, họ còn phải hoàn thành tốt công việc thường ngày. Nói vậy để thấy sự nỗ lực, cố gắng của mỗi đại biểu trên vai trò trách nhiệm của mình trước cử tri.

Sự giám sát, truyền tải ý kiến cử tri, thậm chí là sự đeo bám, theo đến cùng các sự việc, dù chỉ bảo vệ một người dân hay lớn hơn là lợi ích chính đáng của nhiều người, của tỉnh, đã góp phần làm giảm bớt khiếu kiện, ổn định tình hình và quan trọng hơn, giúp nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức trong giải quyết công việc, hướng tới vì nhân dân phục vụ, vì lợi ích của nhân dân.

Lắng nghe, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cử tri
(BGĐT) -  Dù chỉ một hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng” đang bị vướng mắc hay hàng trăm “sổ đỏ” của hàng trăm gia đình ở Nông trường cam Bố Hạ sau khi giải thể chưa được cấp; dù là 7 cống chui dân sinh hay cả tuyến Quốc lộ gần 100 km xuống cấp, ảnh hưởng tới đời sống của người dân...; tất cả đều được Đoàn ĐBQH Bắc Giang đeo bám, theo đuổi đến cùng. Mục đích để bảo vệ chính đáng lợi ích của người dân cũng như địa phương.
Lắng nghe, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cử tri
(BGĐT) -  Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nên mọi hoạt động của Quốc hội và mỗi ĐBQH đều được cử tri quan tâm, dõi theo và đặt nhiều kỳ vọng.

Thu Hương - Hữu Trình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...