Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xác định rõ mục tiêu, định hướng chiến lược hội nhập quốc tế

Cập nhật: 14:20 ngày 23/04/2019
(BGĐT)- Sáng 23-4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về chủ đề "Tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế chủ trì tại điểm cầu Trung ương.

Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh; đại diện Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ tỉnh và một số sở, ban, ngành.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại điểm cầu Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Hội nhập quốc tế là một chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta và được cụ thể hóa phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. 

Từ hội nhập đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nổi bật là Việt Nam đã mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu, qua đó nâng cao vị thế, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam. 

Với ý nghĩa đó, các đại biểu tham dự cần tích cực đóng góp ý kiến để tìm ra những hướng đi, phương pháp, cách làm mới hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. 

{keywords}

Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế về cơ bản đã đạt được những kết quả tích cực và dài hạn trên nhiều lĩnh vực. 

Tuy vậy, vẫn còn có khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công tác thông tin truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế... 

Một số ý kiến đề xuất với Ban chỉ đạo và bộ, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách nhằm thực thi có hiệu quả các cam kết hội nhập, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với đẩy mạnh cải cách trong nước, tận dụng tối đa cơ hội của hội nhập nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng. 

Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại. 

Kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2019 là năm “nước rút” Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020, đồng thời cũng là năm nước ta chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và bước vào giai đoạn phải hoàn tất các cam kết trong 12 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. 

Đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công tác hội nhập, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động phù hợp từng lĩnh vực cụ thể. 

Đối với lĩnh vực chính trị, an ninh-quốc phòng cần xử lý hiệu quả các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh mạng, chủ động đấu tranh và đối thoại về dân chủ nhân quyền. 

Trong lĩnh vực kinh tế tiếp tục coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm của hội nhập, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh trên các thị trường khu vực và quốc tế. 

Về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo cần quan tâm quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam ra thế giới bằng các hình thức đa dạng, hiệu quả. Tăng cường hiệu quả hợp tác tiểu vùng Mê Kông, coi trọng quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, nông nghiệp thông minh, kết nối khu vực, phát triển nguồn nhân lực và tranh thủ cách mạng công nghiệp 4.0.

Vân Anh



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...