Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đề xuất sửa đổi một số quy định về quản lý lao động, phòng chống bạo lực gia đình

Cập nhật: 14:56 ngày 23/03/2018
(BGĐT) - Ngày 23-3, đoàn công tác của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội do đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực làm trưởng đoàn tiếp tục giám sát một số chuyên đề tại tỉnh.
{keywords}

Đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
phát biểu tại buổi giám sát.

Cùng dự có đồng chí Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban; đại diện các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH); Văn hóa, Thể thao và Du lịch; T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Làm việc với đoàn có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Mạnh Thường, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Hà Văn Bé, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Giai đoạn 2010 - 2017, toàn tỉnh có hơn 34,4 nghìn lượt người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở các thị trường chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia. Nhìn chung lao động của tỉnh xuất ngoại đều có việc làm, thu nhập ổn định. Công tác thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (giai đoạn 2008-2017) được tuyên truyền lồng ghép với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”. 

Hiện toàn tỉnh thành lập được gần 1 nghìn câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, thu hút 25,9 nghìn người tham gia; số vụ bạo lực giảm mạnh qua các năm. Tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT chuyển biến tích cực. 

Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có hơn 1,5 triệu người tham gia BHYT, đạt 92% dân số, vượt 10,4% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Bằng các hình thức truyền thông trực tiếp, triển khai hiệu quả các mô hình tư vấn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân, sức khoẻ sinh sản vị thành niên, câu lạc bộ không sinh con thứ ba nên việc thực hiện chính sách pháp luật về dân số trong tỉnh thu được nhiều kết quả khả quan.

Trên cơ sở phân tích những khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ, các đại biểu của tỉnh đề xuất Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành T.Ư một số nội dung như: Sớm ban hành văn bản pháp lý để kiểm soát tính trung thực của các thông tin đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài trên các trang mạng xã hội; xây dựng cơ chế phối hợp với lực lượng an ninh để kết nối cơ sở dữ liệu quản lý lao động nước ngoài với hoạt động xuất, nhập cảnh, sau đó chia sẻ thông tin cho các địa phương để quản lý chặt chẽ hơn các trường hợp doanh nghiệp bảo lãnh NLĐ nước ngoài vào Việt Nam với thời hạn dưới ba tháng để xử lý những sự cố, công nghệ phức tạp. Quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bảo đảm sát thực tế từng địa phương.

Nhằm thu hút đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, UBND tỉnh kiến nghị Bộ LĐTBXH sớm nghiên cứu, tăng chế độ với người tham gia như tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, BHYT… Hiện nay, học sinh lớp 12 có giá trị thẻ BHYT cấp đến ngày 31-5 hằng năm, như vậy còn khoảng trống đến khi học sinh vào năm học mới. Vì vậy, tỉnh đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật BHYT cho phù hợp với thực tế này. Cùng đó, sớm hoàn thiện dự thảo Luật Dân số, kèm theo các nghị định, thông tư hướng dẫn để áp dụng hiệu quả vào đời sống xã hội.

Tại buổi giám sát, các thành viên đoàn giám sát đề nghị tỉnh làm rõ thêm các nội dung như: Giải pháp vận động lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài về nước; việc hỗ trợ NLĐ sau thời gian ở nước ngoài trở về tìm kiếm việc làm phù hợp, tránh lãng phí nguồn nhân lực; hiệu quả từ các hình thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ; thu hồi nợ quá hạn với các DN nợ BHXH nhưng không có khả năng chi trả; kết quả hoạt động khám sức khỏe cho đối tượng bị bạo hành gia đình; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và phá thai ở tuổi vị thành niên.

Phát biểu kết luận, đồng chí Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao kết quả tỉnh đạt được trên các lĩnh vực; đồng thời ghi nhận và tổng hợp những kiến nghị của đại biểu để trình Quốc hội quan tâm xem xét, hướng tới sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tế và từng nhóm đối tượng. 

Đồng chí đề nghị tỉnh đẩy mạnh việc kết nối, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tạo điều kiện để người nước ngoài làm việc ở Việt Nam nhưng phải xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, địa phương để quản lý tốt. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, phấn đấu bao phủ toàn dân tham gia BHXH; có chế tài xử lý nghiêm, hạn chế tình trạng DN nợ BHXH, nhất là không để chủ DN bỏ trốn. Huy động sự vào cuộc của MTTQ, các hội, đoàn thể để giải quyết triệt để những hệ quả từ bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính, vị thành niên có thai ngoài ý muốn.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...