Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai - Vai trò của cán bộ cơ sở: Kỳ I - Từ vụ việc cụ thể đến cách làm hiệu quả

Cập nhật: 12:39 ngày 27/12/2017
(BGĐT) - Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, số đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) về đất đai thường chiếm đa số và rất phức tạp. Hầu hết KNTC thuộc lĩnh vực này lại liên quan đến chính quyền cơ sở. Thực tế, nhiều địa phương gặp trở ngại về vấn đề này thì một số nơi có những cách làm hiệu quả.
{keywords}

Ông Phí Thanh Bình (trái) Chủ tịch UBND xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) và công chức địa chính xã xem xét đơn của công dân.

Trực tiếp đối thoại

Cách đây khoảng hai tháng, 30 hộ dân của thôn Trước, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) có ý định làm đơn khiếu nại lên UBND xã và cấp trên liên quan đến dự án di dời các phần mộ phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) xây dựng một số công trình. Nguyên nhân chính do người dân chưa hiểu hết chủ trương, chính sách của nhà nước. Không ít hộ đòi hỏi bất hợp lý. Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND xã xuống làm việc với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn và các đoàn thể để nắm bắt tình hình; đồng thời, mời các hộ có mộ nằm trong diện di dời tới trụ sở UBND xã đối thoại, trực tiếp giải đáp thắc mắc của nhân dân. Đến nay, gần 90% số hộ đã đồng ý di chuyển mộ vào nghĩa trang của xã; các trường hợp còn lại chính quyền địa phương đang tập trung giải quyết.

Trao đổi với ông Phí Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến được biết, những vụ việc như trên không phải là hiếm với một xã có tốc độ đô thị hóa nhanh như Tân Tiến vài năm gần đây. Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn có 9 dự án triển khai với tổng diện tích GPMB gần 100 ha, liên quan đến gần 1 nghìn hộ dân như: Dự án khu đô thị 1,2,3; dự án GPMB xây dựng Trung tâm Hành chính công TP Bắc Giang, trụ sở TAND tỉnh, Công an tỉnh... GPMB luôn là công việc phức tạp bởi hồ sơ đất còn nhiều vướng mắc do lịch sử để lại. Có nơi cán bộ cơ sở giao, bán đất sai thẩm quyền ở những giai đoạn trước, nhiều hộ lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép đất nông nghiệp... "Nếu không nắm chắc văn bản pháp luật, cán bộ cơ sở không quán xuyến, sát sao, công tác hòa giải bị xem nhẹ sẽ không giải quyết được những kiến nghị của bà con", ông Bình nói.

Tại xã Hồng Thái (Việt Yên), câu chuyện người dân làm đơn khiếu nại vượt cấp, kéo dài nhiều năm cũng từng xảy ra. Hàng loạt các vụ kiện tụng liên quan đến tranh chấp đất đai giữa các hộ dân, chính sách bồi thường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đúng... đã khiến chính quyền xã có giai đoạn "mất ăn, mất ngủ". Tại trụ sở xã, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã và ông Thân Đức Xuân, cán bộ Tư pháp xã lật giở cho chúng tôi xem rất nhiều hồ sơ về KNTC đã được giải quyết ổn thỏa. Ví như trường hợp của bà Nguyễn Thị Mão, thôn Hùng Lãm 1, trong ba năm (từ 2014-2017) liên tiếp có đơn khiếu nại gửi tới xã và huyện đề nghị xem xét lại việc đền bù, hỗ trợ GPMB diện tích 394 m2 đất nông nghiệp của bà chuyển sang đất ở  theo thông báo của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Việt Yên. Nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc này, UBND xã đã gặp gỡ, trao đổi, giải thích các quy định của nhà nước để bà Mão hiểu; đồng thời, tranh thủ xin ý kiến cấp trên về phương án xử lý thấu tình, đạt lý nên bà Mão đã đồng ý với kết quả giải quyết.

Hay như trường hợp của bà Trần Thị Loan, thôn Hùng Lãm 3, khiếu nại ông Nguyễn Văn Tuất cùng thôn lấn chiếm 20m2 trên diện tích đất của gia đình bà vào đầu năm 2017. Sau khi tiếp nhận đơn, lãnh đạo xã đến nhà, kết hợp cử những người uy tín của thôn tham gia hòa giải. Ít tuần sau, vụ việc được giải quyết êm xuôi.

Có thể thấy, những năm gần đây, giải quyết KNTC (chủ yếu liên quan đến đất đai) được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp, ngành, địa phương có nhiều cố gắng trong tiếp công dân, giải quyết các vụ việc phát sinh. Do đó, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh nói chung và cấp xã, phường, thị trấn nói riêng (gọi tắt là cấp xã) đã có chuyển biến tích cực. Nếu như những năm trước, tại một số địa phương, tình trạng khiếu kiện tập thể vượt cấp, tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự ở các cơ quan công quyền diễn ra nhiều thì nay giảm đáng kể. Các đơn KNTC mới phát sinh được xem xét, xử lý kịp thời. Từ năm 2015 đến nay, cấp xã tiếp hơn 9,7 nghìn lượt người đến phản ánh, đề nghị giải quyết hơn 5,8 nghìn vụ việc (90% liên quan đến đất đai); giải quyết xong gần 4 nghìn đơn thuộc thẩm quyền, tỷ lệ bình quân đạt 93,5%.

Lắng nghe dân nói

Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết khiếu nại được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

(Điều 5 - Luật Khiếu nại)

Cùng với giải quyết đơn thư, công tác tiếp dân được nhiều địa phương coi trọng. Khi cán bộ tiếp dân gặp gỡ trực tiếp công dân, nắm bắt thông tin nhiều chiều sẽ hạn chế đơn KNTC tràn lan, vượt cấp, kéo dài. Ở một số địa phương, sở dĩ tỷ lệ đơn KNTC vượt cấp ít là do chính quyền sở tại làm tốt công tác này. Xã Lan Mẫu (Lục Nam) trước kia vốn yên ả, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Kể từ khi dự án xây dựng Cụm công nghiệp Lan Sơn triển khai trên địa bàn, câu chuyện "tấc đất, tấc vàng" bỗng dưng nóng lên. Toàn xã có gần 320 hộ trong diện đền bù, khi tiến hành bồi thường GPMB, những lá đơn gửi đến xã liên quan đến cơ chế, chính sách, phương án bồi thường tăng mạnh. Do địa phương làm tốt công tác tiếp dân đã hạn chế tối đa đơn vượt cấp. Hằng tuần, xã tổ chức tiếp dân vào thứ Năm, thành phần gồm Chủ tịch UBND; cán bộ tư pháp, địa chính; công an và đại diện các đoàn thể như MTTQ, phụ nữ, nông dân... Đơn của công dân được phân loại, giải quyết kịp thời, không để quá hạn. Những đơn thuộc thẩm quyền, Chủ tịch UBND xã trao đổi, làm rõ ngay để người dân hiểu, không mất công đi lại, đợi chờ. Với những đơn phức tạp, xã phối hợp với cơ quan chức năng xuống tận thôn xác minh, xin ý kiến của lãnh đạo huyện, trả lời công dân bảo đảm đúng quy định.

Không ít vụ việc nhờ tuyên truyền, giải thích, nhân dân đã đồng tình, rút đơn. Tại dự án giãn dân ở thôn Lan Hoa năm 2016, nhiều hộ không đồng tình với việc di dời và phương án đền bù vì bị xúi giục. Lãnh đạo xã đã xuống tận thôn tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Chỉ trong thời gian ngắn, 100% hộ dân đã nhất trí cách làm của chính quyền địa phương. Hay như vụ việc ông Nguyễn Văn Thập, thôn Chính Hạ không đồng ý cho hệ thống mương của thôn chảy qua phần diện tích đất của gia đình, đích thân Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã xuống nhà ông 4 lần để phân tích, cuối cùng ông Thập đã đồng ý với cách giải quyết của xã. Năm 2017, UBND xã tiếp nhận 7 đơn kiến nghị, phản ánh liên quan đến đất đai, tỷ lệ giải quyết đạt 100%, không có đơn khiếu nại vượt cấp.

Ở huyện Việt Yên, trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng 200 đơn thư phản ánh, KNTC của công dân chủ yếu liên quan đến đất đai. Để nâng cao chất lượng giải quyết KNTC, UBND huyện đặc biệt coi trọng công tác tiếp dân ở cơ sở. Hằng tháng, nhiều xã tổ chức đối thoại trực tiếp với dân theo địa chỉ, có sự tham gia của ngành chức năng huyện để lắng nghe ý kiến, đưa ra phương án phù hợp. "Nếu như xã, thị trấn nào bị phê bình nhắc nhở nhiều về giải quyết KNTC, người đứng đầu sẽ bị trừ điểm thi đua, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện", ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.

Đánh giá về giải quyết  KNTC nói chung, trong đó có lĩnh vực đất đai ở cấp chính quyền cơ sở thời gian qua, ông Nguyễn Sơn Hồng, Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: Công tác tiếp công dân được duy trì thực hiện nghiêm túc; việc phân loại, xử lý đơn thư cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Các vụ việc KNTC mới phát sinh được xem xét kịp thời, nhờ đó những vụ KNTC đông người, phức tạp, kéo dài được tập trung giải quyết, góp phần ổn định an ninh, trật tự tại địa phương.

(Còn nữa)

Thành Nam - Công Doanh

 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...