Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 29 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chính trị
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra KT-XH, kiểm tra, giám sát của cấp ủy

Cập nhật: 18:15 ngày 12/12/2017
(BGĐT) - Ngày 12-12, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức hội nghị đánh giá công tác thanh tra KT-XH; công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy giai đoạn 2015-2017. Các đồng chí: Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thân Văn Khoa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì. 

{keywords}

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có gần 200 đại biểu đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Ban Tổ chức, Ban Nội chính, Văn phòng Tỉnh ủy; thủ trưởng, chánh thanh tra các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh; thủ trưởng, trưởng các phòng có chức năng điều tra của Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh; lãnh đạo, trưởng các phòng của Thanh tra tỉnh; bí thư và chủ nhiệm UBKT cấp ủy cấp huyện; chủ tịch UBND và chánh Thanh tra các huyện, TP.

Cán bộ là khâu then chốt trong thanh tra, kiểm tra 

Báo cáo của UBND tỉnh, Ủy ban Kiểm tra và Ban Nội chính Tỉnh ủy nêu rõ: Những năm qua, cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát. Hoạt động này đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước; bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và các chế độ chính sách, pháp luật. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát được tiến hành đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc dễ phát sinh tiêu cực như đầu tư xây dựng cơ bản; đất đai, tài chính, ngân sách. Qua thanh tra, nhiều đơn vị phát hiện, xử lý sai phạm, thu hồi tiền, tài sản, đất đai; kiến nghị chấn chỉnh khắc phục những bất cập trong quản lý, góp phần hạn chế phát sinh sai phạm, tiêu cực. 

Tuy vậy, một số ý kiến thảo luận cho rằng, mặc dù có cả hệ thống làm công tác thanh tra, kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở song vẫn xảy ra những vụ việc sai trái, tiêu cực. Chất lượng và tính chiến đấu trong một số cuộc thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Còn vướng mắc, chồng chéo, thậm chí bỏ sót những vụ việc sai phạm. Không ít kết luận kiến nghị đề xuất theo hướng thiên về xử lý nội bộ, du di. Vì vậy dư luận chưa tin tưởng vào tính nghiêm túc trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. 

Trước những hạn chế, tồn tại đó, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải nhấn mạnh: Cán bộ là khâu then chốt của công tác thanh tra, kiểm tra, điều này thể hiện ở trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị. Cán bộ biết có sai phạm nhưng không dám nói; kiểm tra thấy có sai phạm nhưng không đưa vào kết luận, "chín bỏ làm mười", vỗ về, thậm chí sách nhiễu, nhùng nhằng gây khó khăn cho đơn vị được thanh tra, kiểm tra. Trình độ nghiệp vụ, chuyên môn chưa đủ tầm, không nắm rõ chính sách pháp luật; không quy kết được lỗi thuộc về ai. Vì vậy thời gian tới cần đánh giá lại trình độ chuyên môn của đội ngũ này. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tiếp tục nghiên cứu sắp xếp hoạt động của Thanh tra Nhà nước và thanh tra chuyên ngành, thanh tra các huyện. Có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra trong báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra.

Các đồng chí chủ trì yêu cầu: Kết thúc cuộc thanh tra, ngoài ban hành kết luận cụ thể rõ ràng còn phải có báo cáo độc lập liên quan đến tình hình dư luận về kết quả thanh tra, giám sát để cơ quan thanh tra, cán bộ, đảng viên, nhân dân biết. Thủ trưởng, thường trực cấp ủy, chủ tịch UBND các huyện, TP phải có ý kiến trực tiếp vào nội dung và các kết luận của từng cuộc thanh tra. Thực thi triệt để các kết luận thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thu hồi tài chính, tài sản thất thoát. Kết luận phải nói rõ, chỉ đích danh cá nhân, ai quyết định chi sai phải chịu trách nhiệm.

Tập trung lập lại trật tự về kinh tế và trật tự xã hội

Mục tiêu năm 2018 và những năm tiếp theo, Bắc Giang tập trung cao cho việc lập lại trật tự kinh tế và trật tự xã hội, bảo đảm kỷ cương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực thi nghiêm minh. 

Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chấn chỉnh việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, lập lại trật tự trị an, quy trách nhiệm rõ ràng cho tập thể cấp ủy, trưởng công an các huyện, TP nếu để dư luận lên tiếng bức xúc về những vấn đề nảy sinh trên địa bàn.

Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kể cả điều tra tập trung vào những vấn đề có dấu hiệu sai phạm trên thực tế. Hạn chế thanh tra, kiểm tra chung, kết luận chung chung. Khi phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, người lãnh đạo phải kiểm soát lại các kế hoạch; trình tự thủ tục phải tuân thủ đúng quy định. Kết thúc làm việc có biên bản. Ứng dụng công nghệ thông tin, theo dõi hồ sơ, cập nhật vào phần mềm quản lý trên hệ thống. 

Thời gian tới, thanh tra cấp huyện chú trọng quản lý xây dựng cơ bản, tài chính, lĩnh vực đất đai ở cấp xã. Ở cấp huyện và ngành tập trung thanh tra vào quản lý, phân bổ, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Thanh tra việc quản lý các dự án đầu tư, các hoạt động đấu thầu minh bạch hóa ngay từ khâu hồ sơ mời thầu. Tăng cường thanh tra lĩnh vực xây dựng, trật tự xây dựng và trật tự đô thị. Chấn chỉnh hoạt động quản lý thuế; quản lý thị trường.

{keywords}

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải gặp gỡ các đại biểu tại hội nghị.

Lĩnh vực kiểm tra, giám sát của Đảng tập trung vào kiểm tra các dấu hiệu vi phạm quy định, quy chế, các nguyên tắc, kỷ luật của Đảng; trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kết luận kiểm tra, giám sát phải nói rõ địa chỉ, chỉ rõ cá nhân chịu trách nhiệm. Đề xuất hiệu lực của kết luận xử lý theo quy định, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những điều khoản xử lý bổ sung phải ghi rõ thu hồi tài sản thế nào, ai thu hồi, thu hồi bao nhiêu, thời hạn thu hồi... 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính, Văn phòng Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh những chủ trương, giải pháp để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đi vào thực chất và hiệu quả.

{keywords}

Đồng chí Nguyễn Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy: Xây dựng kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS), một trong những yêu cầu quan trọng là xây dựng kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, từ đó lựa chọn nội dung, đối tượng phù hợp. Thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục; tập trung KT, GS việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị; việc triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII), kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế. Ngoài ra là việc thực hiện Quy định số 101 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; việc kê khai tài sản của cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý. Chú trọng KT, GS người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm. Ngoài ra, UBKT cấp ủy các cấp chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao. Xác định và thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm; tăng cường GS thường xuyên, GS chuyên đề nhằm phát hiện và đề xuất kịp thời kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Nắm chắc tình hình và tham mưu giải quyết có chất lượng các đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

{keywords}

Đồng chí Trịnh Hữu Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thực hiện đúng thẩm quyền trong thanh tra KT-XH

Công tác thanh tra KT-XH thời gian qua đạt kết quả tích cực, cơ bản bám sát yêu cầu công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phức tạp; cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế; đội ngũ cán bộ thanh tra thiếu về số lượng, chất lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Để khắc phục cần tăng cường chỉ đạo rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thanh tra KT-XH; xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa các cơ quan, tổ chức trong ngành thanh tra. Khi xây dựng chương trình, kế hoạch hằng năm phải bám sát nhiệm vụ quản lý của ngành và của tỉnh. Đặc biệt, thực hiện đúng thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, sử dụng đúng quyền hạn và hết trách nhiệm là nguyên tắc cực kỳ quan trọng mà cán bộ, công chức nhà nước cũng như thủ trưởng các cơ quan nhà nước, cơ quan thanh tra… phải thực hiện. Đó là xác định tổ chức, cá nhân nào được sử dụng quyền gì, sử dụng với đối tượng nào, trong trường hợp nào để bảo đảm đúng pháp luật. 

{keywords}

Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa: Cần xác định thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra là nhiệm vụ trọng tâm 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, từ năm 2018, đề nghị tỉnh chỉ đạo đưa nội dung hoàn thành thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra vào nhiệm vụ trọng tâm của mỗi địa phương, đơn vị, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan. Như vậy sẽ tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thanh tra, KT, GS, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề tồn tại, hạn chế, bức xúc nổi cộm. Định kỳ hai tháng một lần Ban Thường vụ huyện ủy, UBND huyện nghe báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra và những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước nhằm kịp thời nắm bắt, chỉ đạo kịp thời, nghiêm túc. Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ này có trình độ chính trị, năng lực chuyên môn, bản lĩnh vững vàng, lựa chọn kỹ lưỡng người đứng đầu cơ quan thanh tra, kiểm tra các cấp, qua đó giúp cấp ủy, chính quyền duy trì kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước; phòng ngừa, xử lý nghiêm minh những vi phạm.

Thu Phong - Quốc Trường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...