Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII)

Cập nhật: 17:38 ngày 29/11/2017
(BGĐT) - Ngày 29-11, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII). Hội nghị diễn ra trong hai ngày 29 và 30-11. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ và các bộ, ban, ngành T.Ư.

{keywords}

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Ảnh Quốc Trường

Ở điểm cầu Bắc Giang, tại Trung tâm hội nghị tỉnh có các đồng chí: Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thân Văn Khoa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và cán bộ chủ chốt của tỉnh. Tại 240 điểm cầu trong tỉnh (10 huyện, TP và 230 xã, phường, thị trấn) có các đồng chí cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã dự...

Phát biểu khai mạc, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết: Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII) ban hành 4 nghị quyết, đây đều là những quyết sách quan trọng của Đảng, đề cập đến nhiều vấn đề rộng lớn, hệ trọng của đất nước; là những vấn đề rất khó, phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức; đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của mọi người, mọi gia đình, vấn đề bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc. Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung lắng nghe, đào sâu nghiên cứu, nắm thật chắc những nội dung cơ bản của các nghị quyết, nhất là những điểm mới, luận điểm cốt lõi để nâng cao nhận thức, qua đó thống nhất ý chí, hành động. Mỗi cá nhân cần liên hệ tình hình thực tiễn địa phương để xây dựng kế hoạch hành động, lộ trình, bố trí nguồn lực, nỗ lực hành động, đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì

Tiếp đến, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đồng chí cho biết: Năm 1986 - thời điểm bắt đầu đổi mới, cả nước có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, đến nay đã có 63 đơn vị. Sau 30 năm đổi mới, số đơn vị hành chính cấp tỉnh tăng thêm 19, tăng 178 đơn vị cấp huyện, 1.136 đơn vị cấp xã. 

Nghị quyết đề ra một số quan điểm lớn, trong đó xác định: Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phải bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ và các văn kiện của Đảng; đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm. Nghị quyết nêu rõ: Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương. Mục tiêu từ nay đến năm 2021 giảm 10% biên chế, tương đương 400 nghìn biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên khoảng 5%, tương đương 45 nghìn tỷ đồng.

Giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách

Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII) ban hành 4 nghị quyết. Đó là: 

1. Nghị quyết số 18 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”;

2. Nghị quyết số 19 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”;

 3. Nghị quyết số 20 “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”; 

4. Nghị quyết số 21 “Về công tác dân số trong tình hình mới”. 

Buổi chiều, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Quan điểm chỉ đạo chung là Nhà nước chăm lo, bảo đảm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cho mọi tầng lớp nhân dân trên cơ sở giữ vững, phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ đạo, vị trí then chốt, bản chất tốt đẹp, ưu việt, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thực hiện công khai, minh bạch, không thương mại hóa. Bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập...

Nghị quyết đưa ra mục tiêu tổng quát là đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại NSNN, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập...

Giai đoạn từ nay đến năm 2021, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2015. Cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính). Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015. Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học)...

Theo chương trình, sáng mai (30-11), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...