Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tịch thu tài sản nếu không chứng minh được nguồn gốc

Cập nhật: 14:25 ngày 21/11/2017
Sáng 21-11, khi cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, nếu người kê khai không chứng minh được nguồn gốc tài sản, thì nên giao cho cơ quan nhà nước đại diện cho xã hội tịch thu tài sản bất minh.
{keywords}

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn

Quan trọng nhất là xử lý tài sản bất minh 

ĐB Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là xử lý tài sản bất minh. Vừa qua, một số vụ án tham nhũng chỉ được xử lý kỷ luật mà không xử lý được tài sản bất minh. Nhiều nước đã cho phép tịch thu tài sản nếu không chứng minh được nguồn gốc, ví dụ, Cộng hòa Pháp cho phép tịch thu tài sản không qua tòa án. Do vậy, việc tịch thu tài sản bất hợp pháp nên giao cho Chính phủ thực hiện. 

Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, phải coi việc xử lý tài sản bất minh là xử lý tài sản tham nhũng. Vì thế, cần trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng truy tìm đến cùng nguồn gốc của tài sản, đặc biệt những khối tài sản lớn. Các đối tượng phải có trách nhiệm giải trình tài sản, phải chứng minh tính hợp pháp của tài sản. Nếu không chứng minh được thì chính quyền sẽ nhân danh xã hội có quyền tịch thu. Còn theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), không nên mở rộng diện kê khai tài sản, vì hiện này đã có quá nhiều người phải kê khai. Do vậy, nên tập trung vào những người có chức, có quyền, hoạt động ở những lĩnh vực nhạy cảm như: Hải quan, công an khu vực, cảnh sát giao thông, cơ quan thuế….  

Về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, mọi công dân có quyền sở hữu tài sản hợp pháp và minh bạch. Các quốc gia khác, người dân bình thường cũng phải chứng minh tài sản hợp pháp. Nếu không chứng minh được thì cục thuế sẽ điều tra và xử lý. Hiến pháp cũng bảo vệ tài sản công dân hợp pháp, không phải tài sản bất minh.

Tuy nhiên, một số ĐB cũng cho rằng, cần cân nhắc kỹ quy định về tài sản bất minh. Vì việc hình thành tài sản không minh bạch có thể có từ nhiều nguồn như: Buôn lậu, gian lận… ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, tài sản bất minh nhưng không phải ăn cắp của Nhà nước thì làm sao có thể gọi là tài sản tham nhũng, ví dụ như đi buôn lậu. Do vậy, tài sản từ tham nhũng phải gắn liền với quyền lực và công quỹ. 

Cả họ làm quan, "gia đình trị" 

Dự thảo Luật quy định, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm những người là anh rể, em rể, chị dâu, em dâu… làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán-tài vụ, thủ quỹ, thủ kho hoặc vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng; không được là người quản lý, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu 10% trở lên trong doanh nghiệp (DN) có hoạt động kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của mình trong cơ quan.

ĐB Hồ Thị Minh (Quảng Trị) ủng hộ quy định này và yêu cầu mở rộng phạm vi về công việc mà người thân của người đứng đầu không được làm việc tại các cơ quan mình quản lý. “Cụ thể, với quy định người thân thích của người đứng đầu không được bổ nhiệm là cấp phó; trong thời gian qua tại các địa phương có tình trạng gia đình trị, cả nhà làm quan, cả họ làm quan. Hay trong một cục, chồng làm cục trưởng, vợ làm cục phó gây xôn xao dư luận. Cấp phó là cấp giúp việc cho cấp trưởng, nếu người thân trong gia đình bổ nhiệm làm cấp này sẽ dễ nảy sinh tham nhũng”, ĐB Minh nhấn mạnh.  

Theo quy định tại dự thảo Luật, cán bộ, công chức không được sở hữu quá 10% cổ phần trở lên trong DN, HTX, bệnh viện tư, trường học tư, tổ chức nghiên cứu khoa học tư; không sở hữu quá 10% thuộc DN các lĩnh vực mình quản lý. Tuy nhiên, theo ĐB Minh, cần xem xét lại quy định này vì 10% còn thuộc vào quy mô của từng DN, có thể từ vài chục, vài trăm triệu tới nhiều tỷ đồng. Đặc biệt, theo bà Minh, điều này có thể chưa phù hợp với quyền của con người tại một số quy định khác 

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra. Vì trong thực tế, nhiều đơn vị thanh tra, kiểm toán không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc kết luận nhẹ, có lợi cho người bị kiểm tra. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra vào cuộc lại phát hiện ra nhiều hành vi tham  nhũng lớn.

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), cho biết, nhiều cơ quan kiểm tra, kiểm toán không phát hiện được tham nhũng khi thanh tra, kiểm toán. Nhưng sau đó, khi cơ quan điều tra vào làm việc lại phát hiện tham nhũng lớn. Do vậy, phải bổ sung trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra, kiểm toán nếu bỏ lọt hành vi tham nhũng. Bảo đảm nguyên tắc giao quyền lực phải có cơ chế kiểm soát quyền lực.

Cùng quan điểm này, theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), thực tế một số cơ quan kiểm tra, kiểm toán không phát hiện được tham nhũng, nhưng sau đó lại được phát hiện bởi cơ quan điều tra. Do vậy, phải quy định trách nhiệm với cơ quan thanh tra, kiểm toán trước đó. Quy định trường hợp phát hiện tham nhũng, các cơ quan kiểm toán phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra là cần thiết. Còn theo ĐB Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương), đa số tham nhũng có tính chất phức tạp, có chức vụ quyền hạn, quá trình điều tra phức tạp, thẩm quyền này thuộc cơ quan tố tụng. Khi phát hiện tham nhũng cơ quan kiểm toán phải chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan điều tra. 

Theo Tin tức


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...