Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Kiểm soát chặt bội chi liên quan đến nợ công

Cập nhật: 14:26 ngày 16/11/2017
Sáng 16-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn tại Quốc hội (QH) trước nhiều câu hỏi của các đại biểu (ĐB) về vấn đề quản lý nợ công.
{keywords}

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn.

Lo ngại nợ công tăng nhanh

Trả lời ý kiến chất vấn về trần nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ công đang tăng nhanh và áp lực trả nợ lớn, nên cần tiếp tục kiểm soát. Bộ Tài chính đã có nghị quyết về tái cơ cấu ngân sách và bảo đảm an toàn nợ công (ATNC) bền vững, trình QH ban hành Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, theo đó, giới hạn các chỉ tiêu ATNC không quá trần 65% và nợ nước ngoài không quá 50%. Bộ trưởng cho biết thêm: "Nợ công vẫn ở trong giới hạn cho phép. Vừa qua, nợ công đã từng bước được kiểm soát chặt chẽ, bước đầu cơ cấu lại và kiểm soát tương đối có kết quả".

Tuy nhiên, các ĐB vẫn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến hiệu quả của đầu tư công. Nêu ví dụ về việc vừa qua, có 12 dự án lớn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tập đoàn kinh tế đầu tư không hiệu quả, gây đội vốn đầu tư, thua lỗ nghiêm trọng... ĐB Nguyễn Quang Thuấn (Hà Nội) cho rằng, nợ công không xấu, nhưng đầu tư công không hiệu quả lại gây thiệt hại kép, có thể làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và uy tín Quốc gia.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, QH đang thảo luận thông qua Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Quan điểm để kiểm soát nợ công là chỉ tập trung các nguồn vốn vay cho các dự án quan trọng, siết chặt bảo lãnh Chính phủ với các các nguồn vốn vay, QH đã có kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm. Giải ngân vốn ODA kiên quyết tuân thủ theo nghị quyết QH đã thông qua là 300.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra tài chính công, đầu tư công. 

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, nợ gốc và lãi vay của Chính phủ phải trả tăng nhanh, năm 2017 là 250.000 tỷ đồng (2010 là 100.000 tỷ đồng), làm thế nào để kiểm soát nợ công mà vẫn bảo đảm đầu tư phát triển? Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chúng ta đang kiểm soát để nợ công chậm lại. Để tăng cường quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã trình chủ trương về tái cơ cấu ngân sách, kế hoạch tài chính 5 năm. Trong đó, có chỉ tiêu trần nợ công, hoàn chỉnh Luật Quản lý nợ công sửa đổi… từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công.

Thời gian thông quan kéo dài, DN thiệt hại

Ngay đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt câu hỏi, thời gian thông quan ở các cửa khẩu kéo dài, gây thiệt hại cho DN, Bộ Tài chính có giải pháp gì trong thời gian tới? Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ đã xây dựng đề án và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án, giao cho 13 bộ, ngành, hoàn thiện, nâng cao chất lượng kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm thời gian kiểm tra, chuyển sang hậu kiểm.  

Bộ trưởng Tài chính phân trần: Thực tế, 28% thời gian thông quan là trách nhiệm của hải quan, còn lại trách nhiệm các bộ, ngành về kiểm tra chuyên ngành. Chúng ta có 200 danh mục hàng hóa, nhưng có tới 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, nhiều khâu kiểm tra của các bộ. Để tháo gỡ, thúc đẩy xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính sẽ phối hợp để hoàn thiện danh mục mặt hàng, áp mã HS để giảm thời gian xuất nhập khẩu cho DN, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông quan điện tử. 

Tuy nhiên, hiện nay còn một số mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý trước khi thông quan, các bộ,  ngành cần cùng với Bộ Tài chính chỉnh sửa, tạo thuận lợi thông quan. Ví dụ, sữa chua chịu hai giấy phép của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công thương trước khi thông quan. Do vậy, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác.

ĐB Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) nêu tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn khá phổ biến, thói quen không lấy hóa đơn của người dân giúp DN kê khai thuế ít và đặt câu hỏi về giải pháp của Bộ Tài chính về tình trạng này. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời, theo quy định DN tự tính, tự khai, DN tự in hóa đơn…Bên cạnh đó, người mua ít dùng hóa đơn, quen trả bằng tiền mặt là điều rất khó quản lý. Do vậy, cần tập trung tuyên truyền để giải quyết vấn đề này. Người mua hàng phải lấy hóa đơn, kết nối hệ thống hóa đơn với cơ quan thuế.

Trả lời ý kiến chất vấn của ĐB Trương Ánh Tuấn (Nam Định) về vấn đề buôn lậu, hàng giả phức tạp, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng tới người dân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp, vì Việt Nam có biên giới dài, đường biển đã được tăng cường kiểm soát nhưng vẫn còn phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia sớm trình quy định về nguồn gốc dược phẩm, mỹ phẩm, kinh doanh phân bón, tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị. Tăng cường đấu tranh, phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng giả, đặc biệt thời gian gần Tết Nguyên đán. Tuyên truyền để người dân không dùng hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo Tin tức


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...