Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận tại tổ về các dự án luật về Bảo vệ bí mật nhà nước và An ninh mạng

Cập nhật: 19:21 ngày 13/11/2017
(BGĐT) - Chiều 13-11, tại phiên thảo luận ở tổ số 13, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV gồm các đoàn Bắc Giang, Cà Mau và Nam Định, các đại biểu tập trung thảo luận về các dự án Luật: Bảo vệ bí mật nhà nước, An ninh mạng.

{keywords}

Đại biểu Dương Đình Thông (Bắc Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ.

Tại đây, phần lớn các ý kiến tán thành với cơ quan đề xuất xây dựng luật cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Tuy nhiên, thảo luận cụ thể về nội dung dự thảo Luật vẫn còn những ý kiến khác nhau. Cụ thể, góp ý kiến vào dự thảo luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đại biểu Dương Đình Thông (Đoàn Bắc Giang) đề nghị tại Điều 2 của dự thảo chưa phân định tách bạch giữa bí mật nhà nước với bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, đề nghị trong khái niệm bí mật nhà nước cần quy định rõ là thông tin, dữ liệu do Nhà nước quản lý và giữ bí mật. Về bố cục, đề nghị nên chuyển Điều này về Điều 3 phù hợp hơn vì thực chất, đây cũng là giải thích đối với thuật ngữ “Bí mật nhà nước”; hoặc tại Điều 8 về phân loại bí mật nhà nước ở ba cấp độ “Tuyệt mật”, “Tối mật” và “Mật” là phù hợp vì kế thừa quy định của Pháp lệnh. 

Tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật còn chung chung, nhất là nội dung khoản 3. Như vậy dễ dẫn tới tình trạng lạm dụng để ban hành danh mục bí mật nhà nước, làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân hoặc như tại khoản 4, Điều 14 quy định về phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước cần quy định rõ hơn về chặt chẽ về địa điểm tổ chức, thành phần, đối tượng tham dự, phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn… Có như vậy mới bảo đảm không dẫn đến nguy cơ lộ, mất bí mật nhà nước. Đồng thời, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát lại, nội dung nào có thể quy định ngay trong luật thì quy định trực tiếp, như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, giảm áp lực nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành.

Góp ý kiến vào dự thảo Luật An ninh mạng, đại biểu Hà Thị Lan (Đoàn Bắc Giang) phát biểu về biện pháp bảo vệ an ninh mạng (Điều 6) cần bổ sung biện pháp tuyên truyền giáo dục về bảo vệ an ninh mạng, bởi vì biện pháp tuyên truyền giáo dục về bảo vệ an ninh mạng nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ an ninh mạng là hết sức cần thiết. Về phòng ngừa, ứng phó nguy cơ, sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 17) đề nghị bổ sung thêm hoạt động “Xây dựng các phương án, giải pháp phản ứng nhanh với sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia” nhằm có những phương án, giải pháp xử lý sự cố mạng một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, khắc phục triệt để và hạn chế tối đa những sự cố an ninh mạng xảy ra. 

Hai Dự án luật nêu trên được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp lần này, dự kiến được thông qua tại Kỳ họp lần sau.

Thân Văn Hân

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...