Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ta hát mãi bài ca đất nước

Cập nhật: 09:10 ngày 01/09/2017
(BGĐT) - Tôi chẳng biết ai đã nghĩ ra và sử dụng đầu tiên danh từ Đất nước cho Tổ quốc mình. Ngẫm, chí lý và thân thiết, thân thương vô cùng!
{keywords}

Hệ thống in màu trên gạch Granit tại Công ty TNHH Thạch Bàn Bắc Giang. Ảnh: Việt Hưng.

Tổ quốc - một khu vực đất đai rộng lớn bao bọc bởi những đường viền giới hạn được phân định với khu vực đất đai rộng lớn khác, suy cho cùng cũng chỉ gồm đất và nước. Đất và nước ấy được nhớ đến, tôn vinh hay lạnh nhạt, lãng quên chính là nhờ con người. Cách đây mấy ngàn năm, những con người lam lũ, cực nhọc, khốn khổ với dụng cụ rất đỗi thô sơ đã mở đất, đã khai phá rừng hoang, san lấp bùn lầy lập nên bản nên làng, mở ra những con đường, cánh đồng... 

Phải, từ đất mà lịch sử lộ ra và cất tiếng. Đất lật lên trang sử ông bà/ Thuở đầu tiên bắt săn, hái lượm/ Hòn đá vạt thành tên, rìu nhọn/ Thành lưỡi cày gieo luống xuống phù sa/ Đất vun lại nền cao xây đất dựng nhà/ Đất tựa vào nhau nên làng nên xóm như nhà thơ Dương Soái đã viết. Và nước. Nước làm cho đất không ngủ yên, làm sự sống cho cỏ cây, sông núi, con người. Đất nước ta nằm cong tựa như cánh cung trước biển, tựa như chiếc đàn bầu suốt mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước đã tạo lập một tên gọi thiêng liêng: Việt Nam, tạo lập một dáng đứng Việt Nam. 

Trên thế giới này cũng ít có đất nước nào luôn phải thường trực giữ nước như đất nước ta. Những huyền thoại, truyền thuyết đầu tiên của người Việt đều có chiến tranh, chiến đấu mà câu chuyện Thánh Gióng là tiêu biểu. Những bài thơ đầu tiên và luôn được ghi nhớ là những bài thơ hào sảng về chí khí, khát vọng, về lòng yêu quê hương, đất nước của cả dân tộc.

{keywords}

Đô thị Bắc Giang ngày càng hiện đại, văn minh. Ảnh: Việt Hưng.

Không có gì lạ khi đã ra đời những bài thơ tựa như Tuyên ngôn độc lập. Ấy là Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (Nam quốc sơn hà). (Non sông Việt Nam hoàng đế Việt Nam ở/ Rành rành ghi rõ ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời). Ấy là Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có (Cáo Bình Ngô - Nguyễn Trãi). Và đỉnh cao là bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Những giặc ngoại xâm hùng mạnh nhất đương thời đều đặt chân tới đất nước này - từ Nguyên, Minh đến Pháp, Nhật, Mỹ. 

Nhưng chính trên đất nước này đã chôn vùi mộng xâm lăng của chúng, đã dám đánh, đánh thắng mọi kẻ thù, khiến kẻ thù về đến nước vẫn tim đập chân run, phải nhớ đời bài học Việt Nam. Sáng chói, rực rỡ nhất trong lịch sử giữ nước mấy ngàn năm là dân tộc ta đã đánh đuổi Đế quốc Mỹ - tên đế quốc trùm sỏ, hùng mạnh nhất thế giới. Nhân dân thế giới hân hoan, ngợi ca, học tập. Đã có vô vàn lời cổ vũ, biết ơn. “Tấm gương của các bạn khiến chúng tôi tin rằng tương lai của nhân loại đang bắt đầu với trang thứ nhất đã được viết ngay từ bây giờ với tên gọi Việt Nam.” Một nhà văn Thụy Điển viết vậy. Và đây là lời của một giáo sư người Mỹ: “Chiến tranh phá hoại không phá hoại nổi nước Việt Nam mà lại phá hoại ngay nước Mỹ”.

Đất nước đã im tiếng súng. Chiến tranh đã lùi xa. Giang sơn vĩnh viễn liền một dải. Cuộc sống đã tươi đẹp biết nhường nào, nhiều điều tưởng chỉ có trong mơ, trong các câu chuyện cổ. Nhưng giữa những ngày yên bình, tươi vui này vẫn vang lên tiếng báo động, nói như một nhà thơ đất Quảng Ninh:

Chuyện về đất nước sẽ mãi mãi trường tồn, sẽ mãi mãi truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, sẽ mãi mãi khắc ghi Tổ quốc Việt Nam, Dáng đứng Việt Nam. Chúng ta sung sướng, tự hào là người con của đất nước Việt Nam. Xin hát mãi về Người - Tổ quốc Việt Nam ơi...

Thế gian chẳng bình yên

Dù mỗi sớm tiếng chim trời vẫn hót

Sức mạnh của kẻ hèn. Ý chí của bóng đêm

Vẫn mai phục dưới những chùm quả chín

Cái bóng đêm mai phục chính là tham nhũng, xa dân, xa hoa, lãng phí, vô cảm; là lãnh hải, lãnh địa nước nhà có kẻ đang dòm ngó, xâm phạm... Ông Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước, cách đây ba năm đã nói về nguy cơ mất nước. Nguy cơ ấy, ông dẫn lại lời của nhà bác học Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII, đó là: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu, tướng thoái; bốn, tham nhũng tràn lan; năm, sĩ phu ngoảnh mặt.” Chúng ta biết vậy để phòng bị, để ngăn chặn, đẩy lùi. Nói như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (1232- 1300) về thượng sách giữ nước: “Phải khoan sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Người xưa đã từng nói: “Muốn giải quyết tốt chính sự phải sung túc lương thực, quân lực dồi dào và được trăm họ tin cậy”. Thật chí lý thay!

Làm sao tính được có bao nhiêu triệu triệu người đã ngã xuống trên các nẻo đường chiến trận trong các cuộc vệ quốc suốt mấy ngàn năm. Họ đã làm nên đất nước vinh quang, tươi đẹp hôm nay. Mỗi nắm đất đã thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu. Mỗi nắm đất như thầm thì, cất lên tiếng nói, tiếng gọi về hôm qua, hôm nay và mai sau. Chuyện về đất nước sẽ mãi mãi trường tồn, sẽ mãi mãi truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, sẽ mãi mãi khắc ghi Tổ quốc Việt Nam, Dáng đứng Việt Nam. Chúng ta sung sướng, tự hào là người con của đất nước Việt Nam. Xin hát mãi về Người - Tổ quốc Việt Nam ơi...

Tùy bút của Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...