Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chương trình cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam”

Cập nhật: 11:06 ngày 27/07/2017
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 (1947-2017), tối 26-7, các tỉnh, TP: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Trị phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp, với chủ đề: “Dáng đứng Việt Nam”, thực hiện tại 4 điểm cầu, gồm: Khu di tích LSQG  27-7, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên); Đài tưởng niệm các AHLS tại Hà Nội, thành cổ Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) và Đền tưởng niệm Bến Dược, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). 
{keywords}

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội.

Dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, nhân chứng lịch sử, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Sau phút mặc niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước thắp hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ (AHLS). 

Khán giả lần lượt được nghe những câu chuyện xúc động về sự hy sinh của các AHLS, nỗi đau mất mát sau nhiều năm chưa được hàn gắn và giọt nước mắt hạnh phúc khi nhận được thông tin, kỷ vật của liệt sĩ sau những năm tháng xa cách. Đó là trường hợp bà Bùi Thị Dẫn, con liệt sĩ Bùi Thế Giới (TP Hải Phòng), hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Bà Dẫn lên Điện Biện Phủ, tình cờ biết cha mình bị thương và hy sinh ở đồi D1. Không tìm thấy hài cốt cha, bà đã lấy đất ở nơi cha mình hy sinh đem về quê hương. 

Đó là câu chuyện của cụ Ninh Đức Thái, cha đẻ liệt sĩ Ninh Đức Ân - người hy sinh tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) Tết Mậu Thân năm 1968, nhiều năm nay chưa tìm được hài cốt của con. Các đại biểu xúc động trước hình ảnh bà Nguyễn Thị Mai Khanh nhận được đôi bông tai của cha nuôi là liệt sĩ Nguyễn Văn Đồng. Đây là một trong 72 nghìn hồ sơ, hiện vật của những chiến sĩ đi B được Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 lưu giữ suốt 50 năm qua. Hay những dòng thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh từ mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) gửi về gia đình ở Hà Nội trước khi hy sinh... 

Đan xen trong chương trình là các tiết mục âm nhạc, với các ca khúc cách mạng, lễ cầu siêu cho các AHLS… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng hoa, thăm hỏi các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh có mặt tại điểm cầu Đài tưởng niệm Bắc Sơn.

Tới dự tại điểm cầu Thái Nguyên, có các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số bộ, ban, ngành T.Ư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Thái Nguyên; các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; các đồng chí thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, đại diện gia đình có công với cách mạng.

Mở đầu chương trình, các đại biểu dành phút mặc niệm, dâng hương tưởng nhớ các AHLS. Chương trình giới thiệu về câu chuyện 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị chọn một ngày là Ngày Thương binh toàn quốc. Thực hiện chỉ thị của Người, ngày 27-7-1947, đại diện Đảng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cục Chính trị Quân đội cùng chính quyền và nhân dân địa phương đã mít-tinh tại cây đa xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (Đại Từ), nghe công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”. Lễ mít-tinh Ngày Thương binh toàn quốc 27-7-1947 được tái hiện một cách sinh động ngay trên sân khấu tại điểm cầu Thái Nguyên. 

Cũng trong chương trình, khán giả cả nước được chứng kiến những câu chuyện cảm động về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những người thân đi tìm mộ liệt sĩ, những người phụ nữ hy sinh cuộc sống riêng để dành cả đời chăm sóc thương binh nặng, những người đồng đội trở về sau chiến tranh dành cả phần đời còn lại để đi tìm những đồng đội đã hy sinh còn nằm lại chiến trường…

Đến dự tại điểm cầu Đền Tưởng niệm Bến Dược (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) có các đồng chí: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh những tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại điểm cầu, trong chương trình, nhiều khán giả tại TP Hồ Chí Minh xúc động trước hình ảnh người mẹ mỗi ngày ra biển ngóng con trai trở về (liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn - người đã hy sinh trong trận đánh ác liệt kéo dài 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị và sau gần 40 năm, gia đình, đồng đội mới tìm được hài cốt của anh); câu chuyện của những người mẹ đợi con 30 năm, dù con đã hy sinh trong trận chiến trên biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc (mẹ Dương Thị Tạo, mẹ của liệt sĩ Phan Văn Thiềng; mẹ Nguyễn Thị Tròn, mẹ của liệt sĩ Hoàng Văn Túy); mối tình dang dở trong chiến tranh của liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm (quê Hải Dương, hy sinh năm 1974, vẫn chưa tìm thấy mộ) với cô y tá Đỗ Ngọc Cẩm (năm nay 70 tuổi, quê Quảng Ngãi) và cô đã ở vậy cho đến nay chỉ bằng sức mạnh từ vỏn vẹn bốn bức thư của người đã mất...

Tới dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị, có đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và tỉnh Quảng Trị, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến binh và đông đảo người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng các đại biểu đã dâng hương tại Đài tưởng niệm thành cổ Quảng Trị tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. 

Trong chương trình, qua ký ức của những nhân chứng lịch sử, chương trình tái hiện cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, mãi là khúc tráng ca trong lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Những người lính Thành cổ năm xưa đã rời trường đại học, gác bút nghiên khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi lên đường vào Quảng Trị chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Hôm nay, những người lính năm xưa trở lại thành cổ Quảng Trị, tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nghi lễ tưởng nhớ và tri ân được tổ chức tại Đài chứng tích sinh viên- chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972... 

Chương trình cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam” khẳng định thông điệp: Thế hệ người Việt Nam hôm nay không bao giờ quên công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ - những người đã hy sinh cho Tổ quốc trường tồn. Ngọn lửa của lòng yêu nước được hun đúc, truyền lại từ thế hệ cha ông đi trước sẽ được tiếp nối, truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Theo ND


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...