Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chính trị
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XII)

Cập nhật: 20:24 ngày 29/06/2017
(BGĐT) - Ngày 29-6, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Ban Kinh tế T.Ư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XII).
{keywords}

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu khai mạc. Cùng dự có các đồng chí: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Dự tại điểm cầu Trung tâm hội nghị tỉnh có các đồng chí: Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thân Văn Khoa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và cán bộ chủ chốt của tỉnh. Tỉnh Bắc Giang còn nối điểm cầu đến cán bộ chủ chốt cấp huyện và cấp xã.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là những nghị quyết được xây dựng trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn, thuộc chương trình làm việc toàn khóa của BCH T.Ư. Thủ tướng cho rằng, để các nghị quyết đi vào cuộc sống thì “Nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt, khen thưởng kỷ luật phải nghiêm minh”. Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải thực sự năng động, đoàn kết, đề cao kỷ luật kỷ cương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng chương trình hành động bám sát vào các mục tiêu cơ bản của nghị quyết và thực tế của ngành, cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả.

Tiếp đến, tại điểm cầu T.Ư, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư quán triệt những nội dung cơ bản của ba nghị quyết, bao gồm: "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN"; "Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp (DN) nhà nước"; "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN", trong đó nêu rõ sự cần thiết phải ban hành từng nghị quyết; quan điểm chỉ đạo và mục tiêu; nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; tổ chức thực hiện.

Căn cứ kế hoạch hướng dẫn của cấp trên, BTV Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, các ngành, địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 một cách sâu sắc, hiệu quả thiết thực, nhất là chương trình hành động phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

* Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ. Hơn 100 ý kiến phát biểu tại các tổ đều khẳng định Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 (khóa XII) được ban hành rất kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện về môi trường, thể chế cho các thành phần kinh tế, nhất là nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân đã rõ hơn.

Tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 6,500 DN, đứng thứ 33/63 tỉnh, TP trên toàn quốc, trong đó 97% là DN trong thành phần kinh tế tư nhân. Tỉnh phấn đấu từ nay đến 2020 có 10 nghìn DN. DN được thành lập mới sẽ tập trung vào số hộ sản xuất kinh doanh của tỉnh (khoảng 70 nghìn hộ).

Phát biểu thảo luận tại tổ, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải cho rằng: Thời gian qua chúng ta chưa quan tâm nhiều đến kinh tế tư nhân nên mới có tình trạng người dân giữ tiền trong nhà là chính, ít đầu tư sản xuất, kinh doanh, do đó nguồn lực của xã hội không được phát huy. Vì vậy, việc ban hành ba nghị quyết lần này khẳng định quan điểm nhất quán, lâu dài của Đảng, Nhà nước ta là khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Để khuyến khích phát triển, Đảng có định hướng để người dân có tiền chuyển sang đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng không đầu tư tự phát, tránh việc cứ thấy lợi trước mắt thì làm sẽ dẫn đến đầu cơ tích trữ, không có lợi cho xã hội. Quan điểm tiếp theo là đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, giữ lại rất ít DN nhà nước, chủ yếu phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

Theo đồng chí Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tâm lý của các hộ lo lắng là khi chuyển từ hộ sản xuất kinh doanh sang loại hình DN sẽ phải chịu sự kiểm soát rất chặt chẽ của hệ thống pháp luật, từ chứng từ sổ sách kế toán, hệ thống hạch toán, báo cáo tài chính tới các loại thuế. Vì vậy để tạo thuận lợi cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển, trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi tư duy, nhận thức từ sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ sang DN; để cán bộ, người dân hiểu và luôn ý thức được rằng DN tư nhân phát triển là làm ra sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân, có lợi cho đất nước.

Đồng chí Trịnh Văn Ánh, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang khẳng định, kinh tế tư nhân ở Bắc Giang có những bước phát triển tích cực, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, tuy nhiên chúng ta chưa khơi dậy được hết tiềm lực của các DN. Bên cạnh đó, trình độ văn hóa của đội ngũ doanh nhân còn hạn chế. Rất ít DN tiếp cận được với thị trường nước ngoài. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chủ yếu là lao động phổ thông. Công tác đào tạo và sử dụng lao động còn có khoảng cách rất lớn. Đồng chí đề nghị phát triển kinh tế tư nhân phải gắn chặt với công tác quản lý nhà nước, làm sao để vừa bảo đảm thông thoáng song cũng phải chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật...

Ngay sau hội nghị này, các đại biểu dự hội nghị tại các điểm cầu viết bài thu hoạch nêu nhận thức của bản thân về một trong những vấn đề tâm huyết nhất trong các nghị quyết, đồng thời liên hệ với chức trách, nhiệm vụ của mình, đề xuất các giải pháp có tính đột phá nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết ở các địa phương, đơn vị.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...