Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động, Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy

Cập nhật: 12:46 ngày 10/06/2017
(BGĐT) - Ngày 10-6, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Bộ Công an và UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động, Ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (PCMT) 26-6. 
{keywords}

Các đồng chí lãnh đạo T.Ư và tỉnh Bắc Giang cắt băng khai mạc triển lãm "Hiểm họa ma túy và khát vọng hòa nhập cộng đồng".

Đến dự có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Mạnh Thường, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh; hơn 2 nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh.

Diễn văn khai mạc của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, để thể hiện quyết tâm của Việt Nam, hưởng ứng Ngày thế giới PCMT, từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 26-6 hằng năm là Ngày toàn dân PCMT. 16 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, công tác này đã có chuyển biến tích cực, góp phần ổn định và phát triển đất nước. Trung bình mỗi năm có hơn 10 nghìn vụ án ma túy bị phát hiện, đấu tranh; hơn 15 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy bị bắt giữ, xử lý; hàng trăm đường dây, hàng nghìn tụ điểm buôn bán ma túy bị triệt phá…

Tuy nhiên, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Hiện cả nước có hơn 210 nghìn người nghiện, thuộc nhóm tuổi ngày càng trẻ (70% người nghiện dưới 35 tuổi); tình hình mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng. Các giải pháp quản lý người nghiện, đặc biệt đối tượng sử dụng có biểu hiện “ngáo đá” gây hại tại cộng đồng chưa thực sự hiệu quả.

{keywords}

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo T.Ư,  tỉnh Bắc Giang tham quan triển lãm "Hiểm họa ma túy và khát vọng hòa nhập cộng đồng".

Ngày Quốc tế, Ngày toàn dân PCMT và Tháng hành động PCMT (từ ngày 1 đến 30-6) năm nay với chủ đề "Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy" là dịp các cấp, ngành tổng kết, đánh giá kết quả công tác PCMT thời gian qua; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của ngành chức năng và toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ về hiểm họa ma túy. 

Phát biểu tại lễ mít tinh, đồng chí Trương Hòa Bình nêu rõ công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ quyết liệt, kiên trì và đạt được kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy, nghiện ma túy tại Việt Nam còn diễn biến phức tạp. 

Để hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy năm nay, đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng thực hiện nghiêm Chỉ thị 21/CT-TW và Kết luận 95/KL-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển đóng vai trò chủ lực trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, phát huy sức mạnh phong trào toàn dân phát hiện, tố giác tội phạm ma túy để từng bước đấu tranh làm giảm tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, đường hàng không, đường  biển và trên cả nước. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát cụ thể tình hình tệ nạn ma túy ở địa phương, đổi mới giải pháp, nỗ lực, khẩn trương thực hiện Quyết định 2596/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020 và các văn bản pháp luật, các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ về phòng chống ma túy (Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trích đăng dưới đây)

Tại tỉnh Bắc Giang, các cấp, ngành, đoàn thể phát động phong trào quần chúng nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; đổi mới công tác cai nghiện ma túy với nhiều mô hình, dịch vụ điều trị khác nhau…Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 148 vụ, 246 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy (tăng 19 vụ, 46 đối tượng so với cùng kỳ năm 2016). Năm 2016, đã tổ chức cai nghiện, điều trị thay thế Methadone cho hơn 1,2 nghìn người, chiếm 62,2% tổng số người nghiện toàn tỉnh. 

{keywords}

Diễu hành tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại lễ mít tinh.

Phát biểu tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền PCMT, chú trọng cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của tệ nạn; xây dựng, nhân rộng các mô hình quần chúng tham gia PCMT. Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở các địa bàn trọng điểm về ma túy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến các nhóm đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy.

Tăng cường quản lý người nghiện trong cộng đồng, đặc biệt là số đối tượng nghiện ma túy tổng hợp có biểu hiện tâm thần, “ngáo đá”, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật do đối tượng này gây ra. Hỗ trợ người nghiện tiếp cận các hình thức điều trị; duy trì các điểm điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone; kiểm tra, hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ đưa người  nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, từng bước loại trừ tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh. 

Sau lễ mít tinh, các đồng chí lãnh đạo T.Ư và tỉnh Bắc Giang cắt băng khai trương triển lãm “Hiểm họa ma túy và khát vọng vươn lên hòa nhập cộng đồng”. Cùng đó, hơn 2 nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh diễu hành dọc các tuyến phố trên địa bàn TP Bắc Giang để tuyên truyền, cổ động người dân cùng hưởng ứng chuỗi hoạt động PCMT. 

Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy bằng việc làm thiết thực (*)

(Trích phát biểu của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại lễ mít tinh)

{keywords}

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu  tại lễ mít tinh.

...Từ năm 1988, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã quyết định lấy ngày 26-6 hàng năm là Ngày quốc tế phòng, chống ma túy để nhắc nhở đến mục tiêu xây dựng một cộng đồng xã hội không ma túy. Hưởng ứng tinh thần đó, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tháng 6 là Tháng hành động phòng, chống ma túy và ngày 26-6 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống ma túy.

Thời gian qua, công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ quyết liệt, kiên trì và đạt được kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy, nghiện ma túy tại Việt Nam còn diễn biến phức tạp. Xuất hiện nhiều loại ma túy mới; việc buôn bán, vận chuyển, sản xuất ma túy tổng hợp gia tăng; người sử dụng và người nghiện mà túy tổng hợp tăng nhanh, nhất là trong thanh, thiếu niên và học sinh gây bức xúc trong xã hội. 

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, quan điểm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về sử dụng ma túy, nghiện, cai nghiện ma túy chưa đầy đủ, chưa thống nhất; trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được đề cao; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chậm đổi mới, chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả mong muốn; về huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, trật tự, an ninh toàn xã hội và sức khỏe, giống nòi dân tộc.

Để hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy năm nay với chủ đề “Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy”, thay mặt Thủ tướng chính phủ, tôi đề nghị:

1. Các cấp ủy đảng thực hiện nghiêm Chỉ thị 21/CT-TW và Kết luận 95/KL-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đưa nội dung phòng, chống ma túy vào chương trình hoạt động, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền.

2. Các bộ, ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phòng, chống ma túy, điều trị, cai nghiện; triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về ma túy, phòng, chống tội phạm ma túy, chỉ đạo mạnh mẽ việc đổi mới công tác cai nghiện.

Các Bộ: Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan thông tin đại chúng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, học sinh, sinh viên về hiểm họa ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp; giáo dục, phổ biến kỹ năng sống để mọi người tự tin sống với lối sống lành mạnh, có hoài bão, không bị ma túy cám dỗ.

Cần làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ: Điều trị, cai nghiện ma túy là quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp, nhưng có thể điều trị, cai nghiện được. Người nghiện ma túy cần được đối xử bình đẳng, không kỳ thị, phân biệt, cần thật sự yêu thương, giúp đỡ người nghiện điều trị cai nghiện, tạo các điều kiện cho họ hòa nhập với cộng đồng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện, tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, tổ chức các điểm tư vấn, điều trị nghiện. Phát triển trung tâm công tác xã hội để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tư vấn cho người nghiện và các nhóm yếu thế khác; triển khai thực hiện các chương trình và chính sách an sinh xã hội, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, các chính sách về dạy nghề tạo việc làm, xuất khẩu lao động để thanh niên có cơ hội tự tạo việc làm, tự lập xây dựng cuộc sống mới, tránh xa ma túy.

3. Lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển phải đóng vai trò chủ lực trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, phát huy sức mạnh phong trào toàn dân phát hiện, tố giác tội phạm ma túy để từng bước đấu tranh làm giảm tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, đường hàng không, đường  biển và trên cả nước. Đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa việc lạm dụng các chất gây nghiện, chất hướng thần và sử dụng sai mục đích các loại tiền chất.

4.UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần rà soát cụ thể tình hình tệ nạn ma túy ở địa phương, đổi mới giải pháp, nỗ lực, khẩn trương thực hiện Quyết định 2596/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020 và các văn bản pháp luật, các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ về phòng chống ma túy. Các xã phường, thị trấn, cần tăng cường quản lý người nghiện, quản lý địa bàn, quản lý hộ tịch hộ khẩu, tạm trú tạm vắng, huy động sự phối hợp tham gia của các tổ chức chính trị xã hội và của người dân trong việc phát hiện tệ nạn ma túy, giúp đỡ người nghiện cai nghiện, tìm việc làm hòa nhập cộng đồng; tổ chức đội công tác xã hội tình nguyện, các tổ tư vấn cai nghiện, tổ chức tốt việc cai nghiện tại cộng đồng cho người nghiện tại địa phương.

5. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là ở xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động tạo ra phong trào hành động rộng khắp của toàn dân trong công tác phòng, chống ma túy. Mỗi đoàn thể xã hội cần xây dựng một chương trình về phòng, chống ma túy và giúp đỡ người nghiện ma túy thật thiết thực và triển khai sâu rộng tới tận các tổ dân phố, làng, bản. Gắn công tác phòng, chống ma túy với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Từng các nhân, từng gia đình, từng khu phố, bằng những việc làm cụ thể, phải trở thành hạt nhân tích cực đấu tranh phòng ngừa tội phạm ma túy, thành điểm tư vấn giúp đỡ người nghiện.

Đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các tổ chức tôn giáo, tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ, phi chính phủ và các cá nhân tiếp tục tham gia ủng hộ, tạo nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện, tạo việc làm cho người nghiện sau cai nói riêng để công tác phòng, chống ma túy ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả.

Mỗi người dân hãy hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy bằng một việc làm thiết thực. Toàn dân hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy, cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy.

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt


Tường Vi - Hoài Thu


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...