Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động của cơ quan hành chính

Cập nhật: 14:35 ngày 14/03/2017
(BGĐT) - Ngày 14-3, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (gọi tắt là chỉ số SIPAS).

{keywords}

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam;  Lê Vĩnh Tân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch T.Ư Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.  

Việc triển khai đo lường, xác định chỉ số SIPAS được thực hiện ở 6 nhóm dịch vụ hành chính công qua 4 yếu tố: Tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, công chức phục vụ và kết quả giải quyết. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, nhóm 3 thủ tục giải quyết ở cấp huyện (gồm chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở) có các chỉ số thấp hơn nhóm 3 thủ tục giải quyết ở cấp xã (gồm giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực). Chỉ số cao nhất thuộc về thủ tục cấp giấy đăng ký kết hôn, thấp nhất là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2015, tỷ lệ hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt khoảng 73,7% - 89,8%; tỷ lệ hài lòng về sự phục vụ của công chức là 74,3% - 87,2%. 

Hiện nay, ngoài 10 tỉnh, thành phố được T.Ư triển khai, đã có thêm 4 bộ, 32 địa phương tự thực hiện đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức với nhiều phương pháp. Tại Bắc Giang chưa có bộ đo lường chung song đã lồng ghép một số tiêu chí khảo sát về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp vào đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc triển khai đo lường chỉ số SIPAS như: Khảo sát online; bấm nút trên kiosk, màn hình cảm ứng, Ipad tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; tin nhắn SMS... Các đại biểu cũng nêu một số khó khăn trong quá trình thực hiện như: Tâm lý e ngại của một bộ phận cá nhân, tổ chức; nhận thức không đồng đều của người dân, ảnh hưởng đến chất lượng trả lời khảo sát; đội ngũ điều tra xã hội học còn thiếu kỹ năng; kinh phí hạn hẹp; nhiều câu hỏi, đáp án còn chung chung; một số bộ, ngành, địa phương triển khai đo lường với phương pháp, tiêu chí khác nhau nên chưa bảo đảm được tính thống nhất, khách quan trong đánh giá. 

Đề xuất Bộ Nội vụ sớm đưa ra bộ công cụ đo lường chung để triển khai trên toàn quốc; đầu tư cơ sở vật chất cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; có cơ chế hỗ trợ đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính; mở lớp tập huấn về kỹ năng điều tra xã hội học; xây dựng cơ sở dữ liệu về đo lường chỉ số SIPAS tại các địa phương để người dân dễ dàng tiếp cận. 

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến kết quả chỉ số SIPAS 2015. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện những nội dung: Đẩy mạnh thực hiện nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, trong đó tập trung đo lường chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp. 

Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng Đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020”, chú ý nghiên cứu, chuẩn hóa các yếu tố trên cơ sở phù hợp với đặc thù của ngành, địa phương để triển khai nhằm bảo đảm phát huy hiệu quả và khắc phục những yếu kém tồn tại. Quan tâm bố trí đủ nguồn lực về con người, kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác khảo sát, đo lường; tăng cường tuyên truyền giúp người dân, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao nhận thức, trách nhiệm. Sử dụng kết quả đo lường chỉ số SIPAS làm thước đo chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, đáp ứng mong đợi người dân, tổ chức. 

Hoài Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...