Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
An ninh
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Những ngày này năm bảy chín

Cập nhật: 18:00 ngày 14/02/2019
(BGĐT)- Ngày 15-2-1979, Trường Trung học sư phạm miền núi Hà Bắc làm lễ xuất quân cho 16 đoàn thực tập cấp 1 và cấp 2 tại ba huyện miền núi: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Hơi nóng của vùng biên giới đã phả vào trường từ những cuộc di dời chỗ ở, từ những đoàn xe lặng lẽ chở bộ đội, dân công ngược lên phía Bắc qua đường 13 ngầu bụi đỏ.
{keywords}

Người dân dọc biên giới phía Bắc thuộc tỉnh Lạng Sơn chạy lánh nạn khi Trung Quốc đem quân xâm chiếm Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Tuy nhiên, lễ xuất quân các đoàn đi thực tập vẫn nghiêm trang, rộn ràng niềm vui. Từ lời căn dặn của thầy hiệu trưởng đến lời hứa của đại diện giáo sinh chỉ là quyết tâm thực tập cho tốt. Từ "chiến tranh", "chiến đấu", "phục vụ chiến đấu" không xuất hiện. Vẫn là kế hoạch và thực hiện kế hoạch của thời bình. 

Giáo sinh tự túc phương tiện, có mặt ở trường thực tập trong ngày 17. Bộ phận hậu cần, một số em sức khỏe yếu theo xe tải chở gạo, mắm muối, rau, thịt ướp... lần lượt xuất phát ngay, cũng hội quân chậm nhất ngày 17.

Tôi là trưởng đoàn dẫn giáo sinh thực tập tại Trường cấp 2 Biển Động (Lục Ngạn), cách trường (nhà tôi cũng ở ngay trong trường) gần 50 cây số. Dù đã đi tiền trạm, quan hệ với trường, với đảng ủy, ủy ban xã, đã nhờ các hộ dân cho giáo sinh ở, tìm nơi đặt "bản doanh" của Trưởng đoàn và bếp ăn của đoàn, chu toàn rồi, ngày 16 tôi vẫn thu xếp việc nhà đạp xe lên.

Chiều 16, theo lời mời tha thiết của Liêm và Ước - hai giáo sinh trong đoàn thực tập, tôi và Phạm Ngọc Đồng, lớp trưởng, phó đoàn ghé vào Lim (xã Giáp Sơn). Một không khí yên bình. Bánh trái, rượu thịt Tết vẫn còn. Gia đình các em đón tôi nồng hậu, chen nhau, thực sự là thế, mời cơm. Lim còn cách Biển 10 cây số thôi, họ mời tôi ở lại, sáng hôm sau lên trường. Tôi ở lại. Thăm một số học sinh cũ là giáo viên cấp 1, cấp 2 Giáp Sơn xong, tôi về nhà Liêm với ý định ngủ sớm.

Làng quê miền núi yên ả thật. Trời tối. Đường vắng. Lập lòe ánh đèn dầu hắt ra từ những ngôi nhà. Tiếng chó sủa rộ, mỗi khi có dân quân đi tuần. 

Tôi chìm dần vào giấc ngủ sau một buổi chiều guồng xe đạp qua chặng đường mấy chục cây số. Bỗng nửa đêm, tôi giật mình thức giấc. Sáng choang ở nhà Liêm. Sáng choang ở đường ngõ, ở sân kho hợp tác và cả nhà dân. Người ta đốt đèn măng sông, đèn bão, đèn soi cá... Tiếng bước chân rậm rịch. Tiếng người gọi nhau í ới. Và ầm ào, thậm thịch tiếng xay lúa, giã gạo. Cả làng, nhà nào nhà nấy xay lúa, giã gạo.

Bố Liêm nói với tôi:

- Đánh nhau to rồi, thầy giáo ơi!

Tôi mắt nhắm, mắt mở:

- Đánh nhau? Ở đâu hả bác? 

- Đánh nhau ở biên giới rồi! Trung Quốc đánh mình rồi! Thầy nghe tiếng pháo rõ không?

Đúng rồi! Không nghe tiếng súng bộ binh nhưng tiếng đại bác thì rõ lắm. Đường chim bay, từ đây đến biên giới không xa.

Chiến tranh thật rồi!

Người làng Lim chộn rộn chuẩn bị rồi! 

Tôi hỏi bố Liêm, bố Ước (bố Ước cũng vừa sang):

- Sao nhà nào cũng xay thóc, giã gạo thế, các bác?

- Để sẵn sàng chi viện cho bộ đội, để sẵn sàng chạy về tuyến sau nếu có lệnh, thầy giáo ạ!

Tôi thật bất ngờ! Cả bữa rượu, hai ông không đả động gì tới việc chuẩn bị; có nói chuyện ta tầu nhưng vẫn nghĩ họ chưa đánh ta nhưng hóa ra sự chuẩn bị nếu chuyện đó xảy ra đã lặng lẽ, âm thầm rồi. Tôi nhìn nét mặt hai ông, nhìn nét mặt các bà và lũ trẻ, không hề thấy sự hốt hoảng, vẫn bình thản, như không!

Vụt đến trong tôi ý nghĩ về thực tập. Nhà trường chắc biết được thời cuộc thay đổi rồi. Tiếp tục hay tạm hoãn thực tập? Không có điện thoại, kể cả điện thoại bàn, như bây giờ, tôi không liên lạc với Ban giám hiệu được. Là "tướng" được cử ra trận, tôi phải quyết đoán, quyết định thôi! Không thể quay về. Không thể để giáo sinh hoảng hốt, tháo lui. Tôi phải đi Biển thôi. 

Thật sự có ngổn ngang lo lắng việc nhà. Ở nhà, vợ tôi cũng là giáo viên trường sư phạm đang mang bầu sắp sinh cháu thứ tư, cai quản ba đứa con gà con vịt, đứa lớn chưa đầy 6 tuổi. Sẽ ra sao đây, tôi không ở nhà, nếu chiến tranh lan nhanh? Mà việc lên Biển rồi không rút học sinh về, có là liều lĩnh, thiếu linh hoạt không? An toàn của học sinh sẽ thế nào?

Hình như người nông dân làng Lim đã tiếp sức cho tôi, mách bảo tôi. Lên Biển đã.

Trời còn tờ mờ, mấy thầy trò tôi lên Biển.

Hôm ấy, học trò tôi lục tục đến trường. Không vắng một ai. Họ đến sớm hơn tôi dự kiến.

Tôi tập trung cả đoàn, nói kỹ hơn tình hình mới và yêu cầu mới. Tôi nhắc nhở các em nội dung thực tập bây giờ phải gắn với chiến tranh. Phải đem hơi thở cuộc chiến sinh tử này vào bài giảng và dạy, quản lí học sinh, quản lí chính mình. Đó là những lời gan ruột. Tôi nhìn vào mắt các em nhận ra sự đồng cảm!

Các em tiếp nhận lớp và bài giảng, hoạt động sư phạm bình thường. Học sinh cấp 2 Biển Động vẫn duy trì sĩ số. Những bài hát về chiến tranh biên giới đã vang lên ở trường, do giáo sinh tôi dạy. Giỏi thật, họ nghe đài rồi thuộc và dạy ngay cho học sinh. Giáo sinh tôi, chiều chiều, tối tối vẫn đến thăm học sinh, dù ở bản xa như Thùng Thình, Biển Ngoài, Biển Trong...

Rầm rập đêm ngày là cuộc chuyển quân lớn lên Lạng Sơn qua phố Biển. Những chuyến xe chở thương binh quấn băng thấm máu ghé nghỉ gần trường. Dãy núi ven đường đã được xẻ thành công sự chiến đấu, nếu kẻ thù tràn được xuống đây, Cẩm Đàn, Biển Động sẽ thành chiến địa bảo vệ con đường 13 huyết mạch... Thầy trò tôi biết tất cả! Giáo viên, học sinh cấp 2 Biển Động biết tất cả! Biết với tất cả sự bình tĩnh và niềm tin.

{keywords}

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các chiến sĩ trên Mặt trận. Ảnh tư liệu.

Tôi viết thư về nhà động viên vợ, viết thư về xuôi nhờ bố tôi lên đón hai cháu lớn. Bố tôi cũng lo lắng lắm khi biết chuyện mấy mẹ con chị gái tôi, các cháu cũng còn bé lắm, dắt díu nhau chạy bộ tránh quân Tầu từ Lào Cai về Yên Bái! Ông đã lên đón hai cháu lớn con tôi về trông nom. Ở nhà chỉ còn vợ tôi và bé út 2 tuổi. Tôi yên tâm với việc trường giao, bám trụ đoàn thực tập tuy nhớ các con.

Ban giám hiệu nhà trường đã chia nhau lên thăm, động viên chúng tôi. Có anh có xe máy tọc tạch, có anh đạp xe đạp lên Biển, An Châu, An Bá, Quế Sơn, Vĩnh Khương, Yên Định, Dương Hưu. Tất cả chúng tôi đã đúng khi không rút đoàn thực tập về! Không khí bình tĩnh, ý chí chiến đấu của cả nước giúp chúng tôi đúng. Chưa làm được gì nhiều cho cuộc chiến, chỉ mấy buổi tham gia đào hào, mấy lần thăm hỏi, hát cho bộ đội, thương binh nghe, nhưng thầy trò tôi được cán bộ, nhân dân, giáo viên, học sinh Biển Động thương yêu! Anh Lê Dũng, Hiệu trưởng Trường cấp 2, nhà bị cháy, phải vào trường ở tạm song vẫn lo toan cùng tôi chỉ đạo, dự giờ. Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy; anh Nhật, Chủ tịch xã; anh Cầu, Chủ nhiệm Hợp tác xã thăm chúng tôi, cho trâu, cho lợn để đoàn thực tập giết mổ, bồi dưỡng...
Hai tháng thực tập trong không khí nóng bỏng của chiến tranh, không cầm súng nhưng học trò tôi thực sự đã trưởng thành. Cảm giác xấu hổ trước những người lính măng tơ dũng cảm ra trận khi mình vẫn ở đây, lúc đầu, đã bớt đi, khi thầy trò tôi không lạc lõng với nhân dân.
Một đợt thực tập rất thành công! Thế hệ giáo sinh ấy 6 tháng sau đều ra trường, đều là cán bộ quản lý và giáo viên tốt của 4 huyện miền núi Hà Bắc! Họ nghỉ hưu cả rồi. Thầy trò gặp nhau vẫn nhắc lại chuyện xưa. 
40 năm đã qua, tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng ấy, những con người ấy!
Bắc Giang 14/2/2019

Phạm Ngọc Lanh



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...