Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thực hiện quy định về công chứng, chứng thực ở cấp xã: Chọn người để giao việc

Cập nhật: 13:57 ngày 09/08/2018
(BGĐT)- Theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã có nhiệm vụ công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất. Nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang làm tốt nhưng vẫn còn trường hợp sai sót ảnh hưởng đến người dân. 
{keywords}

Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Việt Ngọc (Tân Yên) hướng dẫn người dân khai đúng các thông tin trên giấy tờ.

Sai một ly...

Vừa qua, TAND huyện Tân Yên xét xử vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa hai hộ gia đình ông Hoàng Kông Dinh ở thôn Đồng Phương, xã Ngọc Thiện với anh Tạ Văn Thành ở thôn Ngò, xã Song Vân. Vợ chồng ông Dinh là chủ sở hữu tài sản, lúc giao kết hợp đồng mua bán một mảnh đất rộng hơn 150 m2 bao gồm cả tài sản gắn liền với đất đã không cung cấp đủ thông tin về đồng sở hữu tài sản cho anh Thành biết.

Khi công chứng hợp đồng, một số trang lại không có chữ ký của người yêu cầu, người thực hiện chứng thực và không đóng dấu giáp lai giữa các trang. Ngoài ra, bản hợp đồng được sao thành 5 bản nhưng chữ viết trên mỗi bản khác nhau, có sự tẩy xóa, sửa chữa diện tích. Lúc xảy ra mâu thuẫn, anh Thành khởi kiện ra tòa. Hội đồng xét xử xem xét và kết luận hợp đồng trên vô hiệu. 

Qua vụ việc có thể thấy, bản thân người làm công tác chứng thực không nắm vững kiến thức, các quy định trong Luật Công chứng để thực thi. Ông Dinh, anh Thành khi thực hiện giao kết cũng chủ quan, không rà soát lại nội dung, hình thức của hợp đồng.

Cuối năm ngoái, bà Nguyễn Thị Mơ ở thôn Phú Khê, xã Quế Nham (Tân Yên) bán một mảnh đất cho gia đình ông Hà Văn Bồ ở cùng địa chỉ. Tuy bà Mơ vắng mặt nhưng việc chứng thực hợp đồng tại trụ sở UBND xã vẫn diễn ra. Về sau, một công dân trình báo sự việc đó cho cơ quan chức năng nên hợp đồng được chứng thực lại đúng quy cách. 

Không ít trường hợp, UBND cấp xã chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình nhưng trong hợp đồng chỉ có chữ ký của người chồng hoặc vợ. Khi phát sinh tranh chấp mới biết người chồng đã tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Khắc phục bất cập

Thời gian qua, việc các địa phương liên tiếp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khiến nhiều người dân vui mừng vì có nơi an cư. Tuy nhiên một số gia đình lại gặp khó khi đi công chứng giấy tờ, hợp đồng để nhận sổ đỏ. 

Ông Nguyễn Văn L, xã Xuân Hương (Lạng Giang) ngán ngẩm kể lại quá trình hoàn thiện hồ sơ: “Tôi phải đi lại nhiều lần để hoàn thiện đủ giấy tờ, có lần cán bộ chuyên môn sao chép nhầm lẫn thông tin trong hồ sơ khiến tôi phải làm lại. Dù không hài lòng nhưng gia đình đành chấp nhận vì không thể tự đi làm sổ đỏ được”.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, công chức Tư pháp - Hộ tịch làm nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ yêu cầu chứng thực của công dân, tham mưu cho lãnh đạo địa phương ký chứng thực hợp đồng giao dịch về quyền sử dụng đất. 

Nhưng theo khảo sát của Sở Tư pháp, vẫn còn một số địa phương giao công việc trên cho cán bộ địa chính xã. Giao việc cho người không đúng chuyên môn là một trong các nguyên nhân dẫn đến sai sót trong công chứng, chứng thực. Hiện mỗi xã có từ một đến hai công chức Tư pháp-Hộ tịch đảm nhiệm nhiều công việc, mặt khác trình độ chuyên môn không đồng đều, số lượng công việc ngày càng tăng và tính chất phức tạp hơn nên có lúc chưa đáp ứng tốt yêu cầu được giao.

Cùng đó, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, một số người lợi dụng sự quen biết, mối quan hệ để gây khó khăn cho công chức Tư pháp - Hộ tịch.

Nắm rõ tình hình, mới đây, Sở Tư pháp đã tổ chức lớp tập huấn ba ngày cho 250 công chức Tư pháp - Hộ tịch trong toàn tỉnh về chuyên môn nghiệp vụ. Đây được xem là lớp tập huấn quy mô, chất lượng nhất do Sở tổ chức từ đầu năm đến nay. Nhiều tình huống sát thực tiễn được đưa ra giúp học viên có thêm kỹ năng xử lý. 

Sở Tư pháp chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, TP thường xuyên chấn chỉnh, nhắc nhở đội ngũ công chức Tư pháp- Hộ tịch trên địa bàn; đề nghị địa phương giao việc công chứng hợp đồng, giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất cho người có chuyên môn và phải có đầy đủ sổ để ghi chép, lưu giữ. 

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân, xem đây là công việc đi đầu để phòng, tránh những vi phạm về sau.

Mạc Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...