Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhịn một tiếng, bớt tai ương

Cập nhật: 07:00 ngày 05/08/2018
(BGĐT) - Lời nói là một trong những yếu tố quan trọng chi phối phần lớn cuộc sống. Khi nói những lời nặng nề, thô lỗ, thiếu văn hóa rất dễ làm đối phương bực dọc, bị kích động. Đôi khi chính những lời nói đó lại như “đổ thêm dầu vào lửa” khiến cho “giọt nước tràn ly” dẫn đến án mạng đau lòng.
{keywords}

Minh họa: Đình Tân

Theo cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ án giết người làm 14 người chết, 8 người bị thương, tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2017 và bằng tổng số án giết người trong năm 2017. Điều đáng nói 100% số vụ trọng án này đều do nguyên nhân xã hội. Đôi khi chỉ vì bắt nguồn từ những mâu thuẫn hết sức đơn giản, bột phát nhất thời như do va chạm giao thông, xích mích trong các cuộc rượu bia hay đối phương nói nhiều, nói khó nghe… đã dẫn đến đổ máu. 

Hồi giữa tháng 5, người dân thôn Đồng Còng, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) bàng hoàng khi hay tin chị Nguyễn Thị Thời (SN 1984) đã dùng dao nhọn đâm liên tiếp vào chồng là anh Chu Văn Tuấn (SN 1984) ngay tại nhà mình sau bữa cơm rượu khiến anh Tuấn tử vong. Rượu vào lời ra, cho rằng cứ mỗi lần uống rượu, chồng lại đánh, mắng chửi mình nên chị Thời mới tức giận ra tay.

Là dân quân tự vệ xã Chu Điện (Lục Nam), tháng 12 vừa qua, Nguyễn Văn Long (SN 1986) được Ban chỉ huy quân sự xã giao nhiệm vụ gửi giấy báo khám tuyển nghĩa vụ quân sự cho công dân trên địa bàn thôn Mẫu Sơn. Do công dân không có mặt tại địa phương, gọi vài lần cũng không đến nên anh Long đã gặp trực tiếp người cha là ông Nguyễn Văn Điển để nhờ thông báo tới con trai trở về thực hiện khám tuyển nghĩa vụ quân sự theo quy định. Vì vậy giữa Long và ông Điển xảy ra mâu thuẫn, lời qua tiếng lại ngay tại đường làng nơi có nhiều người qua lại.

Bực tức vì bị ông Điển liên tục chửi, xúc phạm đến danh dự, công việc nên Long đã về nhà lấy hung khí truy sát ông Điển làm ông tử vong trên đường đi cấp cứu. Vụ án cháu giết mợ ở thôn Nga Trại, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa) hồi đầu tháng 4 vừa qua cũng chỉ bởi lý do: Mợ nhiều lần sang nhà chửi bới về việc đổi đất giữa hai gia đình, thậm chí còn thách thức cháu “Có giỏi thì đánh” nên không kiềm chế được.

Trong một vụ án khác xảy ra ở thôn Đồng Mạ, xã Vô Tranh (Lục Nam). Do vợ chồng mâu thuẫn, nên chồng đã ra tay giết anh trai vợ để trả thù cho việc bị bố mẹ vợ xúc phạm, chửi mắng, bênh con gái. Hay như mâu thuẫn trong lúc uống bia đêm của mấy thanh niên xảy ra ở thôn Mịn To, xã Trù Hựu (Lục Ngạn). Chỉ vì nhắc nhở một người bạn trong nhóm không được ném vỏ chai bia ra đường, lời qua tiếng lại giữa hai người bạn thân thông qua câu nói thách thức: “Thằng nào nói tao đập cho chai bia vào đầu”; “Tao nói đấy”… Ai ngờ lời thách đố đó trở thành hiện thực khi hai người dùng chai bia choảng nhau, hậu quả làm một người tử vong.

Tục ngữ có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đối với người nghe, thật không dễ chịu chút nào khi phải chịu đựng những lời nặng nề, thô lỗ. Nói năng hòa nhã, dễ nghe, đúng lúc đúng chỗ là một trong những phương thức hữu hiệu để tu dưỡng tính tình, vừa tránh làm thương tổn người khác, vừa có lợi cho bản thân.

Trong cuộc sống, công việc không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, những điều không bằng lòng với bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí cả với cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em... Nếu không được hóa giải kịp thời mà cứ để âm ỉ, chỉ cần một lời nói khó nghe, một câu cạnh khóe, một từ ám chỉ… sẽ làm tăng sự ức chế tâm lý, nổi nóng của đối phương, dễ dẫn đến hành vi bất thường, khó kiểm soát. Đây chính là nguyên nhân gây ra những hậu quả đáng tiếc, dù có hối hận cũng đã quá muộn. Vì vậy, để có được sự yên bình trong cuộc sống, chúng ta không thể không quan tâm đến việc “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hãy tôn trọng nhau trước hết bằng lời nói, nhịn một tiếng sẽ bớt được tai ương.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...