Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản lý đối tượng lầm lỗi: Nhiều địa phương còn xem nhẹ

Cập nhật: 11:04 ngày 10/07/2018
(BGĐT) - Giám sát chặt chẽ, thường xuyên giáo dục đối tượng trong diện quản lý tại địa phương là một trong những biện pháp phòng ngừa xã hội đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tại một số nơi của tỉnh Bắc Giang, chính quyền cơ sở vẫn chưa chú trọng thực hiện công tác này.
{keywords}

Công an xã Hoàng Ninh (Việt Yên) gặp gỡ người lầm lỡ ở thôn Hoàng Mai 2.

Theo Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, nhằm giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi sau khi trở về địa phương, cùng với lực lượng công an sẽ có một tổ chức, cá nhân tại cơ sở được phân công quản lý, giúp đỡ đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, ở một số địa phương có tình trạng đối tượng rời khỏi nơi cư trú, đi đâu, làm gì, tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi, giám sát không hề hay biết. Điều này đã làm giảm hiệu quả công tác giáo dục, cảm hóa đối tượng trong diện quản lý tại địa phương.

Cách đây gần hai năm, Đào Thị Hoa Bắc (SN 1964) ở thôn Liêm Xuyên, xã Song Khê (TP Bắc Giang) bị TAND TP Bắc Giang tuyên phạt án treo về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hồ sơ, bản án của đối tượng được bàn giao về chính quyền địa phương để quản chế, giám sát. UBND xã Song Khê đã giao Công an xã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quản lý, giáo dục, giúp đỡ Bắc. Tuy nhiên, việc giám sát dường như bị bỏ ngỏ.

Từ tháng 10-2017, Bắc rời khỏi nơi cư trú nhưng chính quyền cơ sở không hay biết. Việc xem nhẹ công tác quản chế đối tượng trong diện quản lý đã làm ảnh hưởng tới công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Tháng 5 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) nhận được nhiều đơn tố cáo của người dân về hành vi lừa đảo của Bắc. Tuy nhiên, xác minh tại nơi cư trú của kẻ lừa đảo ở xã Song Khê, chẳng ai rõ đối tượng đã đi đâu khiến việc điều tra gặp nhiều trở ngại.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,8 nghìn đối tượng trong diện quản lý cải tạo không giam giữ, tha tù trở về địa phương chưa được xóa án tích tập trung tại một số địa phương như: TP Bắc Giang, Việt Yên, Lục Ngạn, Hiệp Hòa...

Tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác, điển hình như ở xã Tam Dị (Lục Nam), Trần Văn Hoàn (SN 1994) ở thôn Hà Phú 12 là đối tượng trong diện quản lý hình sự được giao cho Đoàn thanh niên xã quản lý, giúp đỡ. Tuy nhiên, đoàn viên được giao nhiệm vụ cũng chưa từng tiếp cận hay gặp gỡ Hoàn. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cũng không có định hướng cho Hoàn cuộc sống sau khi chấp hành án phạt tù. 

Đây là một trong những nguyên nhân khiến mới đây Hoàn tìm đến nhóm bạn xấu và quay về con đường tội lỗi. Tại cơ quan công an, Hoàn tâm sự: "Bản thân tôi cũng không rõ mình được ai giúp đỡ vì đa phần người dân không ưa người từng phạm tội. Xin việc cũng không đâu nhận người từng đi tù nên để có tiền chi tiêu cá nhân, tôi đã gây ra hai vụ trộm cắp tài sản ở huyện Lạng Giang và 11 vụ khác tại huyện Lục Nam”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần do người dân còn e dè khi tiếp xúc với người từng phạm tội. Bên cạnh đó, phụ cấp cho thành viên của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân còn hạn chế trong khi phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Ngoài ra, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ chưa cao, hầu hết đều coi việc quản lý, giáo dục là của lực lượng công an.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Công an xã Hoàng Ninh (Việt Yên) cho biết: "Xã hiện có khoảng 70 người trong diện quản lý về hình sự, ma túy. Việc quản lý đối tượng được phó mặc cho lực lượng công an dù chính quyền địa phương có giao cho các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giúp đỡ đối tượng. Lực lượng công an xã mỏng nên việc nắm bắt nhất cử, nhất động của các đối tượng hết sức khó khăn. Từ đó việc tham mưu giải pháp quản lý, giúp đỡ người lầm lỗi đôi khi chưa đạt được hiệu quả như mong muốn".

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối tượng lầm lỗi tại địa phương cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Với vai trò lực lượng nòng cốt, công an cấp xã cần làm tốt công tác nắm tình hình, hỗ trợ thành viên của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân tiếp cận đối tượng được giao quản lý, giám sát. Từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục, sớm phát hiện những biểu hiện nghi vấn, bất thường để kịp thời có biện pháp phòng ngừa đối tượng tái phạm tội.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ, Quốc hội nên xem xét điều chỉnh, tăng mức phụ cấp đối với cán bộ làm công tác đoàn thể cũng như công an viên, phó trưởng công an cấp xã. Qua đó, thúc đẩy người dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Việc quan tâm, giúp đỡ đối tượng chấp hành án cải tạo không giam giữ không chỉ khơi dậy bản thiện trong con người họ mà từ sự quan tâm, sẻ chia của xã hội cũng góp phần giúp người lầm lỡ vươn lên làm lại cuộc đời. Chị Nguyễn Thị T (SN 1975) ở thôn Mỹ Sơn và Nguyễn Thị H (SN 1976) ở thôn Lịch Sơn, cùng xã Cẩm Lý (Lục Nam) là điển hình như thế. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ cho vay vốn của Hội Phụ nữ xã, hai chị đã vượt qua mặc cảm của người từng phạm tội, phát triển kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo.

Anh Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...