Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Bà hỏa" rình rập trong nhà

Cập nhật: 07:00 ngày 19/05/2018
(BGĐT) - Nếu như cháy nhà xưởng, chung cư, địa điểm công cộng chủ yếu do không chấp hành quy tắc phòng cháy, chữa cháy thì tại nhà dân, nguyên nhân chính lại do chập điện (chiếm tới 60% số vụ cháy nổ). Thông tin này khiến nhiều người lo lắng khi mà mùa hè đến, nhu cầu sử dụng điện ở mỗi hộ tăng cao dễ dẫn đến quá tải, nguy cơ cháy nổ là khó tránh nếu không nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy.
{keywords}

Cảnh sát chữa cháy do chập điện xảy ra ngày 29-3 tại một hộ dân ở đường Xương Giang, TP Bắc Giang.

Thiết bị điện thiếu an toàn

Những vụ cháy do sự cố điện diễn ra khá phổ biến trong mùa nóng, Thượng tá Nguyễn Văn Viện, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC66, Công an tỉnh) cho rằng, nguyên nhân do trong quá trình xây nhà, việc lắp đặt ban đầu cho phụ tải điện chưa được các hộ gia đình tính toán kỹ; hệ thống điện của nhiều ngôi nhà dân không được thi công, đấu nối đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, bố trí đường dây điện quá gần với những vật liệu dễ cháy. Bên cạnh đó, các thiết bị tiêu thụ điện (điều hòa, tủ lạnh, máy làm mát, quạt), dây dẫn, át- tô- mát, cầu chì… nếu mua phải hàng chất lượng kém, hàng trôi nổi đem lắp đặt trong nhà sẽ không bảo đảm an toàn, dễ gây ra chập cháy. Ngoài ra còn do ý thức chủ quan của nhiều hộ dân trong việc đun nấu, thắp sáng, thờ cúng, thậm chí tự tiện câu móc điện trái phép mà không nghĩ đến mối nguy hiểm có thể xảy ra trong nhà bất kể lúc nào.

Sau lần trực tiếp có mặt tại hiện trường chứng kiến từ đầu đến cuối một vụ cháy lớn xảy ra vào tháng 10-2016, lần nào đi qua ngôi nhà cháy ấy tôi cũng bị ám ảnh. Đó là một ngôi nhà cấp 4, mặt đường rộng đến gần chục mét chuyên kinh doanh nội thất nằm sát quốc lộ 37 thuộc địa bàn thôn Trung, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) của gia đình anh chị Nhung - Thức. Bao nhiêu vốn liếng cùng tiền bạc vay mượn, anh chị đổ vào nhập những lô hàng lớn phục vụ nhu cầu xây dựng cuối năm. Vậy mà chỉ trong vài giờ buổi sáng, ngọn lửa bùng phát từ phía sau nhà kho chứa nhiều ống nhựa, đồ điện nước, bình nóng lạnh, bình năng lượng mặt trời... đã “liếm” rụi số hàng hóa tiền tỷ, ngôi nhà sập xuống trong sự bất lực của chủ nhà. Lực lượng phòng cháy chữa cháy gồm 60 cán bộ chiến sĩ và 7 xe cứu hỏa đã phải rất vất vả mới khống chế được ngọn lửa vì cửa hàng lợp mái tôn, sâu hơn 20 mét, chất nhiều ống nhựa và đồ dễ cháy nổ, ngọn lửa âm ỉ, lại quá xa nguồn nước.

Cách TP Bắc Giang hơn 50km, lại ở vùng sâu vùng xa, vụ cháy xảy ra đêm 12-1 vừa qua ở thôn Đồng Đỉnh, xã Bình Sơn (Lục Nam) cũng gây tổn thất không kém. Đám cháy phát sinh do chập điện từ nhà ông Lê Xuân Truyền và cháy lan sang hai hộ bên cạnh, diện tích cháy khoảng 260m2 thiêu rụi hai ngôi nhà và nhiều vật dụng, phương tiện, thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng. Một loạt vụ cháy khác cũng do chập điện xảy ra trong mấy tháng đầu năm nay tại gia đình các ông: Đỗ Hồng Quân, thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang); Đặng Văn Toàn, đường Nguyễn Khuyến 7, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang); Nguyễn Văn Thảo, phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang); Lê Xuân Vụ, thôn Đồng Nô, xã Tân Hưng (Lạng Giang)… gây thiệt hại mỗi hộ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng là những ví dụ cho thấy mức độ nghiêm trọng khi xảy ra cháy.

{keywords}

Hiện trường vụ cháy xảy ra ngày 8-4 tại cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ Hồng Dương, xã Cao Thượng (Tân Yên) thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Cần chủ động phòng ngừa

Nếu như cả năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 41 vụ cháy nổ thì riêng 4 tháng đầu năm nay đã có 30 trường hợp, trong đó 60% số vụ liên quan đến chập điện, đó là chưa kể hầu như tuần nào cũng xảy ra cháy công tơ và đường dây điện trên cột. Theo một cán bộ PCCC, những vụ cháy này do được dập tắt kịp thời, thiệt hại không đáng kể nên không đưa vào danh sách thống kê, tuy nhiên đơn vị vẫn phải huy động phương tiện và lực lượng đến hiện trường. Điều đó cho thấy nguy cơ cháy nổ do chập điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Mùa hè, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng đột biến, gia đình nào cũng có một đến vài thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng như quạt, điều hòa, tủ lạnh… khiến cho nguy cơ xảy ra chập cháy liên quan đến nguồn điện nhiều hơn. Để hạn chế cháy nổ, Phòng PC66 đưa ra những giải pháp. Đó là, tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này và tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng điện của người dân. Trang bị kiến thức an toàn phòng cháy, chữa cháy, huấn luyện sử dụng phương tiện tại chỗ ngay từ lúc đám cháy mới phát sinh. Trong tháng 6 và 7 tới, Phòng phối hợp với Công an các huyện, TP mở đợt cao điểm kiểm tra các hộ kinh doanh, liền kề mặt phố, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân hiểu, nắm chắc kỹ năng xử lý và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy.

Tuy nhiên, cảnh sát PCCC không thể có mặt ở tất cả các nhà dân để hướng dẫn, tập huấn đồng nghĩa với nguy cơ mất an toàn về điện vẫn luôn rình rập trong từng gia đình. Vì vậy, mỗi người dân, chủ gia đình cần khắc phục tâm lý chủ quan, nâng cao ý thức tự phòng, đặc biệt là trong sử dụng điện. Khi gia đình có nhu cầu đấu nối, lắp đặt thiết bị điện cần hết sức thận trọng, kiểm tra toàn bộ hệ thống điện đấu nối từ công tơ vào trong nhà. Nếu dây dẫn tiết diện nhỏ, chịu tải thấp nên thay ngay. Có thể liên hệ với công ty điện lực để nhờ kiểm tra trên hệ thống lưới điện bằng súng đo nhiệt độ, camera chụp ảnh nhiệt, qua đó kịp thời phát hiện, phòng ngừa nguy cơ phát sinh sự cố. Mặt khác mỗi gia đình thường xuyên kiểm tra các thiết bị tiêu tốn điện năng, nếu thấy hỏng hóc, xuống cấp, nguy cơ rò rỉ điện cao thì nên thay, đừng vì tiếc rẻ chiếc quạt chạy phập phà phập phềnh, kêu ken két; bình nóng lạnh đã từng bị rò điện … dễ xảy ra chập cháy gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của gia đình.

Tuấn Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...