Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lính công binh đối mặt với “tử thần”

Cập nhật: 10:24 ngày 13/04/2018
(BGĐT) - Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm nhưng những người lính công binh trên địa bàn tỉnh vẫn thầm lặng xử lý bom, mìn để bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân.
{keywords}

Cán bộ, chiến sĩ Ban Công binh (Bộ CHQS tỉnh) phối hợp cùng Ban CHQS huyện Lục Ngạn chuẩn bị hủy nổ quả bom 750 bảng Anh.

Không quản hiểm nguy

Trò chuyện với những người lính thuộc Ban Công binh (Bộ CHQS tỉnh) sau khi hủy nổ quả bom 750 bảng Anh ở Lục Ngạn, chúng tôi mới phần nào hiểu được nỗi vất vả, nguy hiểm của công việc này. Được biết, ngày 22-3 vừa qua, Ban Công binh nhận được tin báo, người dân thôn Cầu Tre, xã Tân Hoa (Lục Ngạn) phát hiện một quả bom. Sau khi cách ly khu vực, thăm dò địa bàn, đơn vị xác định đây là quả bom phá 750 bảng Anh, dài khoảng 1,2 mét, có trọng lượng 344 kg còn nguyên vẹn và cực kỳ nguy hiểm. Sáng sớm 26-3, khi mọi người đang ngon giấc, xung quanh không người qua lại, Ban Công binh phối hợp cùng Ban CHQS huyện Lục Ngạn đưa quả bom lên mặt đất, di chuyển và hủy nổ tại Trường bắn Quốc gia khu vực 1. Chỉ khi tiếng nổ cùng địa chấn qua đi, những người lính mới thở phào nhẹ nhõm.

Trước đó, ngày 20-3, Ban Công binh cũng phối hợp cùng Ban CHQS huyện Hiệp Hòa hủy nổ thành công một quả bom 250 bảng Anh do ông La Văn Trung ở thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) phát hiện khi đang đào đất. Đây chỉ là hai trong số hàng chục quả bom, mìn, đầu đạn bị phát hiện và hủy nổ an toàn trong ba năm gần đây. Theo Ban Công binh thì số bom, mìn này đều sót lại từ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nằm sâu trong lòng đất và được phát hiện khi người dân đào ao, đào móng nhà, làm đường…

Trung úy Thân Đức Hiệu, Ban Công binh, người có 15 năm kinh nghiệm hủy nổ bom, mìn chia sẻ: “Việc phá hủy bom, mìn trả lại sự sống cho những vùng đất “chết” giúp nhân dân phát triển KT - XH và tăng gia sản xuất là nhiệm vụ vinh quang nhưng cực kỳ nguy hiểm. Mỗi lần nhận nhiệm vụ là một lần chúng tôi phải đối mặt với “tử thần” bởi những quả bom, mìn này đều trong trạng thái đã kích hoạt nhưng chưa nổ do một số yếu tố kỹ thuật. Vì vậy, chúng có thể nổ bất kỳ lúc nào”.

Do đặc thù nguy hiểm nên công việc di chuyển, hủy nổ bom, mìn thường được thực hiện vào ban đêm, khi ít người qua lại nhất. Khoảnh khắc đưa bom, mìn ra khỏi lòng đất có lẽ là thời điểm “đau tim” nhất vì quả bom, mìn rất dễ nổ do thay đổi ngoại lực hay thời tiết, nhiệt độ. Để an toàn lực lượng công binh với sự hỗ trợ của thiết bị, công cụ phải bảo đảm cho quả bom, mìn luôn trong trạng thái “động như tĩnh”, duy trì các điều kiện bên ngoài như khi dưới lòng đất. Tất cả đều được thực hiện một cách nhịp nhàng, tỷ mỷ như "nâng trứng".

Thuần thục kỹ năng

Từ năm 2001 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Ban Công binh đã thu gom, xử lý hơn 1.200 quả bom bi, 43 quả bom phá (loại 150, 250 và 750 bảng Anh), 300 quả đạn pháo cối các loại cùng 2,5 tấn đạn nhọn.

Theo lý thuyết, một quả bom dù nhỏ nhất cũng chứa khoảng 5 kg thuốc nổ, đặc biệt quả bom 750 bảng Anh có đến 160 kg thuốc nổ, do đó bán kính sát thương của loại bom này lên tới 500 mét, có thể dễ dàng “hủy diệt” một ngôi làng. Các quả bom này đều nằm trong lòng đất lâu năm, bị han gỉ nên nguyên lý hoạt động không còn như ban đầu. Bởi vậy, muốn hủy nổ an toàn bắt buộc các “lính thợ” phải thuộc lòng tất cả những thao tác, kỹ thuật, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Theo Trung tá Hoàng Văn Toàn, Trưởng Ban Công binh, người đã gắn bó 26 năm trong nghề, thì với người lính công binh, công tác huấn luyện chuyên sâu, rèn luyện kỹ năng chuyên môn luôn được đặt lên hàng đầu. Khi bước vào nhiệm vụ hủy nổ bom, mìn không có rút kinh nghiệm, chỉ cần một sai sót nhỏ phải trả giá bằng máu, thậm chí tính mạng của mình và đồng đội. Do đó, cán bộ, chiến sĩ tham gia hủy nổ bom, mìn thường xuyên phải thao luyện, kiểm tra về chuyên môn kỹ thuật từ đó nắm chắc về tính năng, cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các loại bom, mìn và sử dụng thành thạo các trang thiết bị. Cùng với trau dồi kỹ năng, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ không ngại khó, ngại khổ cũng được phát huy. Từng cán bộ, đảng viên thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát, đôn đốc, nhắc nhở, uốn nắn cho cán bộ, chiến sĩ cả về lý luận và thực tiễn; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, không hoang mang dao động trước khó khăn thử thách.

Nhờ chấp hành tốt quy định, quy tắc và quy trình xử lý bom, mìn, vật nổ nên nhiều năm qua lực lượng công binh trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình hủy nổ. Vất vả, gian khổ, nguy hiểm là vậy, nhưng tất cả đều lạc quan vì nghĩ tới ngày mai trên mảnh đất quê hương sẽ không còn những "hung thần" trong lòng đất, mọi người dân yên tâm học tập, sinh hoạt.

Việt Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...