Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhớ ngày Tết hành quân năm ấy

Cập nhật: 04:55 ngày 13/01/2018
(BGĐT) - Ngày Tết là ngày thiêng liêng với mỗi người. Dù ai đi đâu, ở đâu, bất kể xa hay gần, cứ đến ngày cuối năm là trở về đoàn tụ với gia đình. Vậy mà Tết Mậu Thân năm 1968, Tiểu đoàn 406 chúng tôi không ai có mặt tại quê nhà, tất cả đều hành quân “thần tốc” tới chiến trường Thừa Thiên Huế cùng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã đi vào lịch sử. Tính đến Tết này đã tròn nửa thế kỷ. 
{keywords}

Tác giả (bên trái) và đồng đội trong ngày gặp mặt.

Nhẩm tính, đến thời điểm giáp Tết năm đó, đơn vị chúng tôi đã có 50 ngày đêm hành quân liên tục. Trên đôi “vai sắt” của mỗi chiến sĩ không chỉ khoác một chiếc ba lô “con cóc” chứa đựng “trăm thứ bà rằn” như: Quần áo, chăn màn, tăng võng, lương khô, mặt nạ phòng hóa học, thuốc dự phòng, bao đựng gạo, bình tông nước mà còn thay nhau khiêng súng đạn, pháo, xoong nồi, bát đĩa... 

Nặng nề là thế mà “chân đồng” vẫn phải bước đi trên mọi nẻo đường. Nơi chúng tôi xuất phát là Mai Sưu, huyện Lục Nam quê nhà hành quân qua đất sứ Hải Dương, sang Hưng Yên, Nam Hà, Ninh Bình rồi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình bằng đường tắt, thường đi vào ban đêm. Khi vào tới dãy Trường Sơn thì chúng tôi đêm nghỉ, ngày hành quân song gian truân lại tăng lên gấp bội, bởi mang vác lỉnh kỉnh là thế còn phải leo núi, băng rừng, lội qua sông suối theo hướng dẫn của bộ đội giao liên. 

{keywords}

Bộ đội ta hành quân ra mặt trận.

Cứ chiều tà là chúng tôi tới một cánh rừng hay lưng dốc đã được định trước để nghỉ ngơi lấy sức cho ngày hôm sau. Gọi là nghỉ song cứ hạ mọi thứ đồ nghề xuống, đã người nào việc ấy, trong đó phải kể đến đào công sự là quan trọng bậc nhất, bởi nó không chỉ bảo vệ mình mà còn phòng thủ khi trận chiến bất ngờ xảy ra. Tiếp đến là đào đắp bếp Hoàng Cầm để nấu ăn bữa tối, giúp cho việc đun nấu khói lửa chỉ được phép bay là là dưới gốc cây rừng nhằm tránh máy bay trinh sát của địch. Cái bất lợi là trong tán rừng, khe núi rất nhanh tối nên các tiểu đội phải tranh thủ ăn cơm, để còn mắc tăng võng và thay nhau canh gác. Đêm ở đây, bộ đội không được phép lóe lên ánh đèn để che mắt quân thù.      

Cứ như vậy, ngày tiếp ngày, đường tiếp đường, nếu tính theo quốc lộ 1, chúng tôi đã đi xấp xỉ 700 km rồi. Tiếp đó, đơn vị đi đến Quảng Bình, vượt Trường Sơn, băng qua Lào là ước đạt khoảng một nghìn cây số. Vậy là chẳng bao lâu nữa sẽ tới Thừa Thiên Huế, đích cuối cùng của chặng đường này. Quân và dân nơi đây bắt đầu cuộc tấn công, nổi dậy và đang mong đợi sự chung sức của chúng tôi. Vì thế, dù Tết nhưng chúng tôi chẳng những không nghỉ mà tốc độ hành quân còn khẩn trương hơn ngày thường.

Những vần thơ cứ “bám” lấy tôi theo nhịp bước trong suốt những ngày Tết hành quân. Nếu như đêm hôm trước mệt mỏi, buồn phiền vì Tết xa nhà, thì ngày mồng Một, cũng vẫn như thường lệ, sáng ăn cơm vội với rau rừng là tàu bay, môn thục, trưa nghỉ tạm ăn cơm nắm với muối trắng nhưng những vần thơ của Bác đã tiếp cho cánh lính trẻ chúng tôi thêm sức mạnh, tiêu tan tất cả những gì còn vương vấn trong tâm tưởng.

Chiều Ba mươi Tết, chúng tôi dừng chân tại một khu rừng nguyên sinh. Quang cảnh nơi đây thật đẹp, chim hót líu lo, nước suối chảy róc rách. Công việc sau một ngày hành quân vẫn như thường lệ, chỉ khác là hôm nay các tiểu đội cử người vào binh trạm nhận quà Tết. Nghe nói thì to vậy nhưng lúc chúng tôi chuẩn bị ăn cơm thì cậu A phó mang về hai cái rưỡi bánh chưng, mỗi cái chừng 5 lạng gạo, do binh trạm gói. Tiêu chuẩn là 4 người một chiếc, A này có 10 người, nhận 3 bánh, phải cắt chia cho A2 nửa cái. Tại vùng đất xa xôi cách trở này, được như thế là quý lắm rồi. Mỗi người lại còn được hai chiếc kẹo Hải Châu và hai điếu thuốc lá Sông Cầu nữa.

Tối hôm ấy, trừ những người canh gác còn lại đều đi ngủ sớm lấy sức cho buổi ra quân ngày mồng Một Tết. Chúng tôi nằm dưới cái tăng, trên cái võng và trên nóc công sự để khi có động thì xuống hầm cho nhanh, bảo là ngủ nhưng nào có ai ngủ được. Nỗi nhớ nhà cứ da diết trong mỗi người. Khi tôi chuẩn bị đi B, vợ tôi bảo, nếu sinh con trai, thì đặt tên cho hợp với khẩu khí đàn ông, là con gái, sẽ đặt cho con cái tên mềm mại như mẹ nó. Vậy mà đến nay, con tôi gần 2 tháng rồi, tôi vẫn chưa biết con mình là trai hay gái, giống bố hay giống mẹ?

{keywords}

Nữ biệt động Sài Gòn hướng dẫn quân Giải phóng tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất.    Ảnh Tư liệu

Trong khu rừng lặng lẽ, xa xa có pháo kích cầm canh, trên trời, chiếc OV10 của địch vẫn đang dò la, trinh sát. Bỗng chiếc radio của anh Nguyễn Diễm, chính trị viên tiểu đoàn, đang nằm từ sườn núi bên kia vọng sang những lời ca. Thì ra, vì lượng pin có hạn, anh phải đợi tới thời khắc này mới mở đài cho mọi người thưởng thức. Tôi có cảm giác như mình đang ở nhà vậy. Vừa nghe vừa tưởng tượng ra cảnh quê nhà, tự nhiên, tôi khao khát không khí yên ả, thanh bình và sự đoàn tụ gia đình đến cháy bỏng, nó dâng lên nghèn nghẹn nơi cổ. Thế nhưng, ai cũng vậy, để đạt được cái mong ước đơn giản mà lại lớn lao ấy, thì phải chung sức đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Suy nghĩ vừa lóe lên trong đầu như thế, là đã tới giờ Bác Hồ đọc thơ. Giọng Người ấm áp, dõng dạc, ngân vang cả khu rừng mênh mang. Trước khi vào bộ đội, tôi đã làm việc trong một ngành của tỉnh, đã từng tập tành viết văn nhưng làm thơ thì chưa dám. Nhưng đến thời điểm ấy, tự nhiên những vần thơ ào đến với tôi như một cơn gió, tôi vội ghi vào bộ nhớ: 

...Cảnh này mà lại nên thơ/Đẹp hơn cả những giấc mơ hôm nào/Sự thật mà ngỡ chiêm bao/Đón Xuân trên tuyến đường vào Nam/Các bạn ơi, có nhớ chăng/ Bác Hồ chúc Tết đã băng gió ngàn/ Giao thừa sương đọng chưa tan/ Lời Người như khúc khải hoàn vọng xa: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam-Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên, toàn thắng ắt về ta”... 

{keywords}

Bộ đội ta hành quân chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.   Ảnh tư liệu

Những vần thơ cứ “bám” lấy tôi theo nhịp bước trong suốt những ngày Tết hành quân. Nếu như đêm hôm trước mệt mỏi, buồn phiền vì Tết xa nhà, thì ngày mồng Một, cũng vẫn như thường lệ, sáng ăn cơm vội với rau rừng là tàu bay, môn thục, trưa nghỉ tạm ăn cơm nắm với muối trắng nhưng những vần thơ của Bác đã tiếp cho cánh lính trẻ chúng tôi thêm sức mạnh, tiêu tan tất cả những gì còn vương vấn trong tâm tưởng. Dù trên dọc đường đi, vẫn trèo lên núi cao vời vợi, vượt những mỏm đá gập ghềnh, chơi vơi... Cứ mỗi lần giải lao, tôi lại đọc cho đồng đội của mình nghe những vần thơ tự sáng tác và được tán thưởng bằng những tràng vỗ tay. Hoặc khi cả đoàn quân phải leo một con dốc cao thì một đồng chí tên là Lê Cận -“cây” văn nghệ của đơn vị lại chọc cho mọi người cười ngả, cười nghiêng mà quên đi bao mệt nhọc, nên bước chân nhanh hơn, chắc hơn, để hoàn tất hành trình tới mặt trận.

Trần Quyền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...