Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nguy cơ cháy nổ từ cơ sở thu mua phế liệu

Cập nhật: 10:24 ngày 09/01/2018
(BGĐT) - Các điểm thu mua phế liệu chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư, chứa nhiều vật liệu dễ cháy. Hoạt động tháo dỡ thường là cưa cắt thủ công. Sau vụ nổ kinh hoàng ở Bắc Ninh, cơ quan chức năng đang tập trung rà soát, quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này.
{keywords}

Cán bộ Công an phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) kiểm tra hộ kinh doanh phế liệu tại tổ 8 về việc chấp hành quy định phòng cháy, chữa cháy.

Theo khảo sát của phóng viên, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm điểm thu mua phế liệu. Đa phần  nằm trong khu dân cư trông nhếch nhác với nhiều vật liệu dễ cháy nổ như: Giấy vụn, bìa các-tông, nhựa, sắt thép, thậm chí cả vỏ bình gas. Đáng chú ý, các cơ sở chưa quan tâm đến trang bị thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nếu cháy nổ xảy ra thì không chỉ thiệt hại cho chính cơ sở mà nguy cơ cháy lan rất cao.

Lô đất số 13, làn 3, Nguyễn Thị Minh Khai, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) được chị Đỗ Thị Thắm (SN 1985), hộ khẩu thường trú tại xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường (Nam Định) thuê và dựng lán bằng tôn để ở và thu gom phế liệu. Các loại vật liệu chất đống ngổn ngang chật kín trên diện tích nhà rộng hơn 70 m2. Thời tiết ẩm ướt, mùi phế liệu lẫn lộn bốc lên hôi hám, ngột ngạt. Chị Thắm cho biết: “Qua theo dõi thông tin về vụ nổ ở Bắc Ninh tôi cũng rất lo lắng. Bản thân chưa từng được tập huấn về nghiệp vụ PCCC hay hướng dẫn cách nhận biết các vật tiềm ẩn cháy nổ”. Được biết TP Bắc Giang có khoảng 50 cơ sở thu gom, tập kết phế liệu, tập trung ở xã Dĩnh Trì và phường Thọ Xương, Trần Phú... Qua gặp gỡ với một số người thu mua phế liệu cho thấy họ chưa phân biệt được các loại vật liệu nổ nguy hiểm như bom, đạn.

Năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ hỏa hoạn ở những cơ sở như trên. Riêng tháng 5-2017 xảy ra ba vụ. Ngày 27-5 , người dân bất cẩn khi sử dụng nguồn nhiệt đã làm bãi phế liệu của bà Đào Thị Xuân ở thôn Lữ Vân, xã Phúc Sơn (Tân Yên) bốc cháy. Ngày 29-5, khu phế liệu tại ngách 50, ngõ 190, đường Nguyễn Công Hãng, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) cũng phát hỏa. Trước đó, khu tập kết phế liệu ô tô tại thôn Thuyền, xã Dĩnh Trì cũng xảy ra cháy. Mặc dù chưa xảy ra vụ cháy nổ nào tại các cơ sở thu mua phế liệu liên quan đến vật liệu nổ, bom mìn hay đầu đạn nhưng không ai dám chắc liệu trong những đống phế liệu có hay không những vũ khí chiến tranh chưa được rà phá.

Pháp luật đã quy định rõ việc cấm kinh doanh vũ khí, bom mìn. Mức phạt về hành vi mua phế liệu, phế phẩm là vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc cưa, tháo bom mìn trái phép từ 5-10 triệu đồng nhưng vẫn có những người cố tình vi phạm. Vụ nổ vừa qua tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) và ở quận Hà Đông (TP Hà Nội) hồi tháng 3-2016 là bài học đắt giá về công tác quản lý đối với những cơ sở này.

Năm 2017, toàn tỉnh đã thu hồi hàng nghìn vũ khí, vật liệu nổ cùng hàng trăm đầu đạn chưa qua xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần so với số lượng vũ khí, vật liệu nổ còn tồn tại trong thực tế. Việc kiểm tra, giám sát, quản lý các điểm thu mua phế liệu hầu như chưa được thực hiện đòi hỏi chính quyền, ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra, rà soát việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ cũng như sớm phát hiện các cơ sở kinh doanh phế liệu tàng trữ vật liệu nổ, phế liệu chiến tranh chưa qua xử lý, lực lượng công an tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Thượng tá Bùi Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương, phòng nghiệp vụ tổng rà soát đối với những cơ sở tập kết, thu mua phế liệu trên toàn tỉnh. Qua đó yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết không vi phạm pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cố tình tàng trữ, cất giữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì yếu tố then chốt để bảo đảm an toàn tại những địa điểm thu gom, tập kết phế liệu là do ý thức của người dân. Các chủ cơ sở cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư kinh phí xây dựng nhà xưởng, kho bãi chứa. Luôn nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật, tuyệt đối không thu mua những phế liệu chiến tranh; khi phát hiện vật liệu nổ phải báo ngay cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý. Phân loại, sắp xếp hàng hóa thành từng lô theo từng loại chất cháy cách nhau từ 0,5-1m. Kho, bãi chứa phải có người thường trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, xử lý ban đầu khi có cháy xảy ra.

Ngọc Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...