Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Từ mâu thuẫn nhỏ đến trọng án

Cập nhật: 08:34 ngày 13/09/2017
(BGĐT) - Những cái chết oan nghiệt, những tiếng khóc oán than cho nạn nhân khi bất ngờ bị chính người thân đoạt mạng. Chỉ vì một câu nói, một ánh nhìn khó chịu trong tiệc rượu, mâu thuẫn tiền bạc, tình ái... cũng khiến người ta quên mất tình thân mà ra tay giết người, để lại nỗi đau không nguôi.
{keywords}

Ba mẹ con ở xã Dương Đức (Lạng Giang) sát hại chồng, cha bị TAND tỉnh đưa ra xét xử ngày 7-9. Ảnh: Chí Dũng.

Người thân đoạt mạng người thân

Những tháng gần đây, TAND tỉnh liên tục đưa ra xét xử các vụ án giết người mà nạn nhân và bị cáo đều có mối quan hệ thân thích, ruột thịt. Nhiều người rùng mình, ớn lạnh khi nghĩ đến những mối quan hệ gia đình tưởng rằng mãi bền chặt, vậy mà trong phút chốc, tang thương bao trùm cả dòng họ.

Điển hình là vụ án em giết anh ở xã Xuân Hương (Lạng Giang) trước ngày cưới của bị cáo; vụ ba mẹ con dùng dây điện dí vào người chồng, cha cho đến chết ở xã Dương Đức (Lạng Giang); chồng đánh vợ chết ở xã Nghĩa Phương (Lục Nam), phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang); cháu sát hại bà ở xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng); án mạng trong mối quan hệ bạn bè ở xã Tân Quang (Lục Ngạn); Tiền Phong (Yên Dũng)...

Nghiên cứu các cáo trạng án giết người cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến án mạng lại “chẳng đâu vào đâu”. Đôi khi chỉ là một câu trách móc nhau trong cuộc sống sinh hoạt gia đình, một cái nhìn cho là “đểu”, mời rượu mà không uống, rọi đèn xe máy vào mặt...Có với nhau hai con trai, cuộc sống không đến nỗi giật gấu vá vai, vợ chồng cơ bản hòa thuận, vậy mà “Chỉ vì mấy chục nghìn đồng thừa từ việc mua gà, vợ nói tôi không ra gì nên tôi mới lấy cây đánh”- Câu nói của bị cáo Hoàng Văn Cầu (SN 1972) ở thôn Hố Sâu, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) tại phiên tòa xét xử vụ án giết vợ cuối tháng 8 vừa qua khiến bao người lặng đi. Hậu quả mẹ chết đúng sáng 30 Tết, bố phải vào trại tạm giam khiến những đứa con và cả gia đình rơi vào hoảng loạn.

Hay như tại bữa cơm, cho rằng vợ con hay nói xấu mình nên dẫn đến to tiếng, vậy mà ba mẹ con Nguyễn Thị Nhân (SN 1962), Nguyễn Văn Hào (SN 1995) và Nguyễn Thị Nhung (vợ Hào, SN 1987) đều trú tại thôn Lâm Sơn, xã Dương Đức (Lạng Giang) đã trói chặt, dí điện vào ông Nguyễn Văn Lạc (chồng Nhân, SN 1963) và là bố đẻ Nhung. Nhìn chồng, cha giãy giụa kêu với ánh mắt cầu cứu, vậy mà các đối tượng vẫn không chịu buông tha cho người chồng, người cha của mình. Chỉ vì nóng giận, không kiềm chế mà phút chốc người thân phải chết oan nghiệt, còn người thân khác phải ngồi bóc lịch trong trại giam, để lại nỗi đau không thể nguôi cho gia đình cả hai bên cũng như hậu quả đối với xã hội.

Nhân lên tình nhân ái

Hành vi giết người nào cũng là nguy hiểm, để lại hậu quả nghiêm trọng. Với hành vi giết người thân còn để lại hậu quả nặng nề từ đời này sang đời khác của gia đình bị hại cũng như bị cáo. Nghiên cứu thực hiện đề tài khoa học “Thực trạng tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và giải pháp phòng ngừa”, ông Nguyễn Văn Luyến, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chủ nhiệm đề tài đã thốt lên: Dường như hiện nay để giải quyết mối quan hệ xã hội thông thường, thay vì dùng pháp luật, đạo đức, lòng nhân ái, vị tha, nhiều người lại thích dùng bạo lực, sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, sử dụng vũ khí lạnh để giải quyết. Các vụ trọng án xảy ra không những khiến dư luận lo lắng mà còn gióng lên hồi chuông phản ánh sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi cũng như sự lạnh lùng, vô cảm của các đối tượng gây án.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh, cần sự vào cuộc của toàn xã hội, tránh những hậu quả nghiêm trọng. Ngoài các giải pháp như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm; nâng cao đời sống văn hóa và hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chất lượng các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án giết người; hoàn thiện quy định của hệ thống pháp luật... thì việc nâng cao vai trò, trách nhiệm, khơi dậy những giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, cộng đồng là rất quan trọng.

Theo đó chủ động nắm bắt, hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn bất hòa ngay trong nội bộ gia đình, làng xóm, không để “cái sảy nảy cái ung”. Mọi người ứng xử với nhau bằng tình nhân ái, bao dung, nhường nhịn. Chú trọng giáo dục đạo đức, các chuẩn mực xã hội cho các thành viên trong gia đình. Khuyến khích phát triển văn hóa nghệ thuật ở làng xã, trường học. Xây dựng, tôn vinh, biểu dương các gia đình văn hóa, dòng họ không có người vi phạm pháp luật...

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...