Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhiều hệ lụy từ quá tải tại các kho, bãi giữ xe vi phạm giao thông

Cập nhật: 09:42 ngày 25/04/2017
(BGĐT) - Quá tải kho bãi, xe mất dần giá trị sử dụng dẫn đến lãng phí tài sản, nguy cơ cháy nổ cao… là những hệ lụy đang diễn ra tại nhiều kho bãi giữ phương tiện vi phạm giao thông ở các huyện, TP trong tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, người vi phạm giao thông bỏ xe không đến nhận, không nộp phạt làm giảm hiệu lực pháp luật về an toàn giao thông.
{keywords}

Do quá tải, Công an huyện Lục Nam phải để phương tiện vi phạm bên ngoài bãi xe.

Hàng nghìn xe "vô chủ"

Phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ (chủ yếu là xe môtô) đang tồn đọng tại nhiều kho, bãi giữ xe ở trụ sở Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT- Công an tỉnh) và Công an 10 huyện, TP. Thượng úy Giáp Văn Khương, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Bắc Giang cho hay: Mỗi năm, thông qua tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), các lực lượng chức năng của TP tạm giữ gần 4 nghìn lượt phương tiện. Trong số đó có hàng trăm chủ phương tiện hết thời hạn tạm giữ nhưng không đến làm thủ tục nhận xe mặc dù đã nhiều lần thông báo. Hiện, TP có ba kho, bãi chứa phương tiện giao thông bị tạm giữ ở các phường: Thọ Xương, Hoàng Văn Thụ và Lê Lợi. 

Đến bãi giữ xe vi phạm giao thông ở phường Thọ Xương, đếm nhanh thấy có gần 200 xe máy và xe đạp điện được xếp gọn gàng trong nhà để xe có lợp mái, khóa cẩn thận. Trong đó có cả những chiếc xe tay ga đắt tiền phủ lớp bụi dày, nhiều xe phụ tùng hoen gỉ. Tuy nhiên, tại nơi tập kết xe tai nạn thấy gần trăm xe trơ ra như đống sắt, dầm mưa dãi nắng ngoài trời, không có mái che. Theo một cán bộ trông giữ ở đây, năng lực bãi giữ xe có hạn, những xe tai nạn đã hỏng hóc, gẫy nát nhiều bộ phận, không thể di chuyển được, thậm chí mất công năng sử dụng nên đành để “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Chung tình trạng, bãi giữ xe vi phạm của Đội CSGT Công an huyện Lục Nam cũng trong tình trạng quá tải. Từ nhiều năm nay, phương tiện vi phạm giao thông ngày càng nhiều trong khi khu vực tạm giữ, bảo quản không mở rộng. Nhiều xe buộc phải để bên ngoài, chiếm lối đi nội bộ gây mất an toàn phòng cháy, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường bởi dầu mỡ chảy, sắt hoen gỉ. Dù các phương tiện đã được hút nhiên liệu (xăng dầu) theo quy định nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhất là vào mùa hè khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao.

Thủ tục thanh lý phức tạp

Theo Trung tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh), xe “vô chủ” tồn tại dưới hai dạng. Thứ nhất, sau khi va chạm, TNGT, các bên liên quan đã thỏa thuận đền bù nên bỏ xe do giá trị sử dụng thấp, xe rơi rụng, gãy hỏng nhiều bộ phận không sử dụng được. Nếu chủ xe có đem về sửa chữa thì tiền công vận chuyển còn nhiều hơn cả giá trị của xe, ngoài ra còn tiền bến bãi, trông giữ theo quy định. Những dạng xe này hầu như chủ xe không đến nhận, cơ quan công an tiến hành các thủ tục thanh lý, bán phế liệu, số tiền thu được sung quỹ Nhà nước. 

Dạng thứ hai do mức xử phạt vi phạm hành chính xấp xỉ giá trị xe, xe cũ, xe mua bán qua nhiều chủ không xác định được nguồn gốc; bị mất giấy tờ, xe gian, xe là tang vật của các vụ án hình sự, tranh chấp dân sự. Đa số những xe này vẫn còn công năng sử dụng nhưng chủ xe không đến nhận, phó mặc cho công an xử lý dẫn đến nằm “đắp chiếu” tại các kho, bãi. Tất nhiên khi để lâu không được bảo dưỡng sẽ làm giảm giá trị sử dụng, gây lãng phí.

Tìm hiểu được biết, thủ tục giải quyết các trường hợp vi phạm giao thông tương đối đơn giản, người điều khiển phương tiện khi đã xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan, cán bộ thụ lý sẽ giải quyết, xử lý nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu để quá thời hạn, thủ tục thanh lý rất phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức. Trước hết, đơn vị gửi giấy mời cho chủ phương tiện về việc không đến xử lý. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tới Công an 63 tỉnh, TP trên toàn quốc và niêm yết danh sách xe thanh lý tại cơ quan công an. 

Sau đó nếu không có ai đến nhận thì báo cáo UBND cấp huyện thành lập hội đồng thanh lý theo quy định, thời gian có khi mất cả năm trời. Điều này khiến kho bãi trở nên quá tải, hư hao tài sản, khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình thụ lý, giải quyết cũng như phòng, chống cháy nổ. Vụ cháy rụi hơn 300 xe tang vật vi phạm giao thông ở một bãi giữ xe thuộc Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đầu tháng 4 vừa qua là hồi chuông cảnh báo cho công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy ở các bãi giữ xe.

Khắc phục vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý xe vi phạm. Tăng cường gửi thông báo, gọi điện thoại mời chủ xe đến xử lý và thông báo số tiền các chủ phương tiện bị phạt cùng tiền lưu bãi. Rút gọn hơn nữa các thủ tục thẩm định, bán đấu giá phương tiện vi phạm tồn đọng vì càng để lâu trong kho xe càng mất dần giá trị sử dụng. Đối với các phương tiện bị tạm giữ có giá trị cao nhưng không có giấy tờ hợp lệ nên ưu tiên cho người vi phạm mua lại hoặc sớm bán đấu giá công khai.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...